Hương vị quê nhà

Bữa cơm mẹ nấu

SGTT.VN - Nói không ngoa, cái gì mẹ nấu đều ngon cả, ngon đến da diết nhớ, nhớ đến có cháu nội cháu ngoại, cháu cố vẫn còn… tương tư! Nghe cánh đàn ông nói vậy, các bà vợ có thể phản ứng: “Tôi nấu không ngon sao?” Khoan dỗi hờn, bởi quý bà cũng sẽ là mẹ thôi!

Những món mẹ nấu giờ như đã ngấm vào máu thịt. Ảnh: Trần Việt Đức

Cuối năm 2013, ông Trần Trọng Đoàn ở Dallas, Texas (Hoa Kỳ) về thăm quê nhà, bạn bè cùng lớp đàn đúm nhậu một bữa. Trong khi chờ phu nhơn bạn Văn Phương chặt gà, bày bàn, làm món…, Trọng Đoàn một mình dạo chợ nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, chừng nửa tiếng sau chàng về cầm một bịch đen thui chìa ra tấm tắc: “Bên Mỹ không có thứ này, tôi thèm nó muốn chết!” Thì ra là cua đồng (con rạm), con to chỉ như cái nắp keng đập dẹp. Tôi và nhóm bạn ngơ ngác nghĩ ngợi: mua gì cho xứng tầm Việt kiều về nước chứ thứ “còng” này ra gì!

Vậy là nhờ chị Phương ram. Mâm nhậu đủ thứ món, Trọng Đoàn cứ chăm bẵm món rạm ram. Phối chế hoàn tất, Đoàn chỉ gắp và gắp, còn xin chén cơm trắng… ngấu nghiến cơm rạm ngon lành, không buồn thò đũa vào bao món bày la liệt trên bàn. Đoàn tâm sự: “Món này mẹ mình ram mặn như vầy, hồi khó khăn mỗi đứa một chén cơm chỉ được hai con rạm mà ngon tày trời!” Ngỏ ý muốn mua mang về Mỹ, tôi trỏ nơi bán sỉ ở gần nhà. Hai bữa sau, người nhà chàng Đoàn đến chợ vỉa hè nhóm gần chợ Hoà Hưng lúc hai giờ sáng mua mười ký về ram khô.

“Quà của tôi cho người thân bên đó là thứ rạm này đây”, Đoàn nói chắc nịch!

Đoàn hiện làm chủ hai tiệm “phở Đoàn” tại Mỹ, nhà gốc Bắc từng nấu quán phở ở Trung Chánh – Hóc Môn. “Ở Mỹ chỉ nhờ có xương, thịt bò nhiều thôi chứ mình nấu vẫn không bằng mẹ ngày trước. Cả vợ mình bây giờ cũng đáng… xách dép cho bà!”, Đoàn vung tay chém gió. Cả nhóm bạn bảy người, tuổi đã U60, ai cũng chặc lưỡi khen mẹ mình; người nhớ món này, kẻ kể món kia ra rả nghe như giấc mơ hiện về. Không thèm, không nhớ sao được, những món ăn như đã ngấm vào máu thịt từ tấm bé và như vậy không thể đánh lừa vị giác mình được nếu không phải là món mẹ nấu. Nồng nàn hơn, bởi mình đã từng hấp thu những thức ăn thời xa xưa ấy từ bầu sữa mẹ. Ngon bởi vị giác, còn ngon bởi cả một mối tình ẩn chứa trong món ăn, tạo nên cái ngon bất diệt mà chỉ có mẹ mới nấu được.

Ngon bởi vị giác, còn ngon bởi cả một mối tình ẩn chứa trong món ăn, tạo nên cái ngon bất diệt mà chỉ có mẹ mới nấu được.

Lấy chồng đã 30 năm, có hai mặt con mà bà Sáu Phương ở quận nhất – người Nam rặt vẫn cứ phải nấu ăn theo gu của chồng “vì ổng ăn khó quá đi, ổng chỉ tui từng li từng tí cách kho, nấu canh, đâm mắm… của người Trung”, bà Sáu Phương gằn giọng. Đến độ chỉ nêm tí đường vào nồi canh chua cho đằm lại, ông Nguyễn Tô Cơ, chồng bà Sáu Phương cũng nhận ra và gác… muỗng. Đặc biệt ông Tô Cơ tối kỵ nước cốt dừa, ông bảo: “Dừa tôi uống cả trái, cơm dừa tôi ăn cũng cả trái, nhưng cho nó vào thức ăn thì tôi… bái bai”. Bà Sáu Phương sau 30 năm chung sống, ăn riết rồi cũng ngấm theo khẩu vị của chồng, đến độ giờ về miền Tây “có những món tôi ăn cũng không vô, ngọt quá, béo quá, chua quá”. Thế nhưng, cái nỗi thèm những món thời thơ ấu vẫn lẩn quẩn trong ký ức, như người nghiện trầu, thuốc lá… vậy, nên lâu lâu “tôi cũng làm một nồi thịt kho hột vịt kiểu Nam bộ hay bún mắm… mà má tui hay nấu cho đã thèm”, bà Sáu Phương tiết lộ.

Bếp Việt vào những năm 1920.
Ảnh : TL

Tây cũng tập tành nấu những món Việt dân dã như trong chái bếp xưa của mẹ. Ảnh: TL

Ông giáo Vũ Đức ở quận 10, từ khi lập gia đình đến nay là đầu bếp chính trong gia đình, lo cả việc chợ búa. Vợ ông – bà Thu Hoa cũng là nhà giáo, chỉ là bếp phụ. Có lần cùng về nhà một người bạn ở Tây Ninh chơi, có ao cá, gà thả vườn, chúng tôi kháo nhau với ông giáo đảm đang này: “Hôm nay ông ra tay coi, làm mới tin!” Chúng tôi đứa rượt bắt gà, đứa vớt cá trê ao; ông giáo Vũ Đức bếp trưởng. Thật nhanh chóng, cá trê kho tộ, cá trê nướng chấm mắm gừng, gà xé phay, đầu – cánh – lòng – xương gà nấu canh chua lá giang… bày tưng bừng trên bộ ván. Bữa ăn nhậu nội đồng ngon quá sức. Ông Vũ Đức điệu nghệ cả việc không bằng lòng nướng cá trên bếp ga hay lò vi ba, phải mua than về quạt lửa cho ông nướng; gà ông xé tay không cho lóc bằng dao; lá giang ông vò trước khi cho vào nồi… vô cùng công phu. Rồi hề hà rượu thuốc ông giáo kể, con ông không thích ăn hàng quán, “nhất quyết tôi phải nấu chúng mới ăn”. Hoá ra bà Thu Hoa có phước, nhưng hai đứa con ông giáo sẽ nói: “Ba nấu ăn là ngon nhất trần đời!”

Với tôi, mẹ nấu những món ngon đến nao lòng mà chẳng bao giờ tôi quên. Thời nghèo rạc, cái bắp chuối, vài gờ-ram da heo là nên món gỏi tuyệt vời. Da heo luộc phải xắt sợi không cắt miếng, bắp chuối phải bào thật mảnh; mắm ớt tỏi đâm là dẫn chất thần kỳ của gỏi bắp chuối da heo, nó như nụ cười duyên trên khuôn mặt thiếu nữ – thiếu hay lệch lạc sẽ đâm ra lạnh lùng. Không phải đến bây giờ mới có cá, mực một nắng; từ xưa kia đã có cá muối sư, mẹ tôi ướp muối hột âm ẩm rồi phơi một hai nắng cho dốp dốp, xát thêm sả ớt băm đem chiên hay nướng, ăn quên… tên tuổi, nhất là những ngày mưa dầm miền Trung. Mùa cá cơm, bên hiên nhà vài vịm mắm cái mẹ tôi ủ, mỗi khi mở nắp hương thơm lan khắp xóm... Biết bao là món của mẹ chôn trong ký ức tôi, vậy mà trong những mâm cơm ngày ấy mẹ tôi vẫn nói, “mệ ngoại hồi đó làm món ni còn ngon hơn ri nờ!”

Nguyễn Tâm

sgtt.vn

© 2021 FAP
  203,534       1/346