Tiêu dùng

Có nên chọn spa của thương hiệu mỹ phẩm?

SGTT.VN - “Không thể liều mạng thí nghiệm da mình như hồi trẻ nữa, phụ nữ càng lớn tuổi càng cần phải cân nhắc khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc, bởi khả năng “hồi sinh” của da đã không còn như lúc trẻ. Yên tâm nhất là sử dụng dịch vụ của chính các thương hiệu mỹ phẩm mình đang dùng”, Mai Hương, một nhân viên văn phòng đang trong quá trình trị liệu làm sáng da, giảm vết nám và đốm nâu ở Thefaceshop Spa trên đường Hai Bà Trưng, TP.HCM khẳng định.

Spa thuộc các thương hiệu mỹ phẩm riêng thu hút cả đối tượng khách nam.

Spa nương nhờ uy tín của thương hiệu

Việc nở rộ các spa, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp với nhiều lời gọi mời hấp dẫn, chị em nào cũng muốn một lần thử qua. Tuy nhiên, tuỳ theo đẳng cấp và uy tín, đôi khi khách không thể biết được, mình đang được (hay bị) sử dụng loại mỹ phẩm gì trên da, dù theo quảng cáo, sản phẩm thiên nhiên hay oganic cũng vậy. Tâm lý an tâm khi đến các spa trực thuộc một thương hiệu quen, bản thân đã có dùng tại nhà sẽ khiến việc chọn nơi chăm sóc da cho mình dễ dàng hơn.

Mô hình quản lý có thể khác nhau đôi chút nhưng nhìn chung, một số thương hiệu mỹ phẩm lớn và phổ biến tại Việt Nam đều có dịch vụ chăm sóc da tại các showroom chính thức. Các dịch vụ này trước hết được xem như hình thức khuyến mãi khi khách mua hàng đạt đến số tiền nhất định nào đó. Ông Đức Vương là giám đốc công ty tư vấn, sau khi mua một bộ sản phẩm của Vichy giá trên 4 triệu đồng để tặng chị gái ở quê thì được tặng hai suất massage tại spa của cửa hàng. Chị gái ở quê không thể dùng quà tặng này, bỏ thì tiếc nên ông thử, sau hai lần được phục vụ, cảm nhận da bớt khô và mềm mịn hơn, ông quyết định mua cho mình một gói chăm sóc giá cũng gần 5 triệu đồng. Có mặt ở Việt Nam như một loại dược mỹ phẩm tập trung vào dòng hàng chăm sóc và điều trị da, hiện Vichy có tám trung tâm chăm sóc da ở TP.HCM. Thefaceshop, ngoài các điểm bán sản phẩm cũng có hai spa trên đường Hai Bà Trưng và Cao Thắng. Tương tự, Yves Rocher cũng có ba spa tập trung ở quận 1 và quận 3. Dermalogica, Avene… có hai, ba trung tâm riêng để khách hàng trải nghiệm phương pháp chăm sóc da bài bản để sử dụng sản phẩm của chính các thương hiệu đó tại nhà đạt kết quả tốt.

Và thương hiệu muốn có spa cũng khó

Ở phía người tiêu dùng, spa “song sinh” với showroom bán sản phẩm là một điểm đến an tâm và càng ngày càng có nhiều người quan tâm thì ở phía ngược lại, trên phương diện kinh doanh, duy trì một spa là một bài toán không dễ trong tình hình kinh tế khó khăn. Đó có thể là lý do một số thương hiệu chưa chú trọng lắm đến mảng này. Là một đối tác nhượng quyền bán hàng của Kanebo, bà Xuân Hạnh, chủ showroom Kanebo trên đường Lý Chính Thắng cho biết, việc mở dịch vụ spa tại showroom là một lợi thế cạnh tranh nhưng cũng cần phải đầu tư, nhất là chi phí mặt bằng. Nếu có nhu cầu mở spa, Kanebo sẽ hỗ trợ đào tạo để các spa này đạt chuẩn dịch vụ chung của Kanebo, còn không, thì đơn giản là làm đại lý bán hàng như ở các trung tâm thương mại. Ohui là một thương hiệu mạnh nhưng lại chỉ có một điểm chăm sóc ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, còn lại, theo người đại diện công ty LG Vina thì các spa kèm thương hiệu Ohui có thể là của các đại lý hoặc người bán lẻ. Clinique thì ngoài tư vấn và bán sản phẩm tại các trung tâm thương mại cũng chưa thiết lập một spa riêng cho khách ruột của mình. Riêng Thorakao, một thương hiệu mỹ phẩm thuần Việt thì sau một thời gian hoạt động, spa cũng đã đóng cửa từ trước tết 2014.

bài và ảnh: Gia Hoà

sgtt.vn

© 2021 FAP
  84,153       1/319