Thế giới

Lý do Trung Quốc khó xuyên thủng lá chắn tàu sân bay Mỹ

Trung Quốc cần ít nhất 100 oanh tạc cơ để vượt qua các tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm và tiếp cận một tàu sân bay Mỹ, theo chuyên gia.

Chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, không quân Trung Quốc điều đội hình hùng hậu gồm 8 oanh tạc cơ H-6K cùng nhiều tiêm kích hộ tống áp sát đảo Đài Loan. Giới chuyên gia nhận định đợt triển khai lực lượng này của quân đội Trung Quốc (PLA) là phép thử khả năng phòng thủ của Đài Loan và quyết tâm của Mỹ đối với vấn đề liên quan đến hòn đảo.

Cùng ngày oanh tạc cơ Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan, hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào khu vực Biển Đông để "thực hiện các chiến dịch thường kỳ". "Dường như Mỹ đã vượt qua phép thử của Trung Quốc", biên tập viên David Axe của Forbes nhận định trong bài viết ngày 27/1.

Các chiến lược gia Trung Quốc chắc chắn đoán trước việc tàu sân bay Mỹ sẽ xuất hiện gần khu vực eo biển Đài Loan. Việc triển khai hàng loạt oanh tạc cơ áp sát đảo Đài Loan của PLA không chỉ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu, mà còn hé lộ chiến lược Trung Quốc có thể áp dụng để đối phó các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Oanh tạc cơ H-6K tại một căn cứ của Trung Quốc, tháng 8/2017. Ảnh: PLA.

Oanh tạc cơ H-6K tại một căn cứ của Trung Quốc, tháng 8/2017. Ảnh: PLA.

PLA dường như đặt kỳ vọng vào việc biến các oanh tạc cơ H-6K mang tên lửa diệt hạm thành "át chủ bài" trong chiến dịch tấn công tàu sân bay Mỹ trong trường hợp Washington điều lực lượng đến chi viện cho đảo Đài Loan nếu xung đột giữa hai bờ eo biển nổ ra.

Chiến lược này là có cơ sở, bởi trong thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng triển khai các oanh tạc cơ mang tên lửa như Tu-95, Tu-16 và Tu-22M được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.

Để đối phó, hải quân Mỹ triển khai tiêm kích F-14 mang tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 cùng máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy E-2C để hỗ trợ.

Kịch bản tác chiến của hải quân Mỹ là các tiêm kích F-14 sẵn sàng phóng tên lửa AIM-54 hạ oanh tạc cơ Liên Xô trước khi chúng tới đủ gần để khai hỏa "sát thủ diệt hạm" KSR-5 và Kh-22. Các chiến hạm hộ tống của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Liên Xô vượt qua được lớp phòng thủ của tiêm kích F-14.

Trận không chiến giữa tiêm kích F-14 và biên đội oanh tạc cơ đối phương sẽ diễn ra cách nhóm tác chiến tàu sân bay hơn 640 km. Để đối phó với khả năng bị gây nhiễu nặng nề và liên lạc vô tuyến hạn chế với tàu sân bay, các phi công F-14 phát triển chiến thuật mang tên "cưa máy".

Theo chiến thuật này, các tiêm kích F-14 sẽ dàn đội hình để săn tìm biên đội oanh tạc cơ của Liên Xô. Khi một phi công F-14 phát hiện oanh tạc cơ đối phương, anh ta sẽ áp sát để tấn công, đồng thời phát cảnh báo cho các tiêm kích F-14 gần đó để phóng tên lửa khi mục tiêu lọt vào tầm bắn.

Giới quân sự Liên Xô đánh giá chiến thuật của Mỹ có thể gây tổn hại nặng nề cho lực lượng của họ. "Liên Xô tính toán rằng họ cần ít nhất hai sư đoàn, gồm 100 oanh tạc cơ, để chống một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ", chuyên gia hàng không Tom Cooper cho biết.

Tiêm kích F-14 của Mỹ bay kèm hai oanh tạc cơ Tu-16 của Liên Xô vào năm 1984. Ảnh: US Navy.

Tiêm kích F-14 của Mỹ bay kèm hai oanh tạc cơ Tu-16 của Liên Xô vào năm 1984. Ảnh: US Navy.

Oanh tạc cơ H-6 và tên lửa chống hạm Ưng Kích 12 (YJ-12) trong biên chế không quân Trung Quốc hiện nay được đánh giá gần giống vũ khí Liên Xô từng sử dụng. Trong đó, H-6 là mẫu oanh tạc cơ được Trung Quốc phát triển và sản xuất trên cơ sở Tu-16 của Liên Xô.

Giới chuyên gia nhận định nếu Liên Xô cần điều 100 oanh tạc cơ để hạ tàu sân bay Mỹ vào những năm 1980, Trung Quốc ngày nay cũng cần ít nhất 100 chiếc H-6 để làm điều tương tự. Tuy nhiên, Mỹ hiện nay không còn sử dụng tiêm kích F-14 với tên lửa AIM-54 tầm xa, thay vào đó là tiêm kích F/A-18 mang tên lửa AIM-120 có tầm bắn ngắn hơn.

"Khả năng tự vệ của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ngày nay yếu hơn so với những năm 1980", chuyên gia Cooper nói. Điều này khiến trận không chiến giữa tiêm kích Mỹ và oanh tạc cơ đối phương có thể diễn ra gần tàu sân bay hơn, khiến bên tấn công có nhiều cơ hội phóng tên lửa.

Tuy nhiên, hệ thống liên kết cùng mạng dữ liệu mới giúp các tổ bay Mỹ liên lạc và phối hợp tốt hơn nhiều so với cách đây 40 năm. Máy bay cảnh báo sớm E-2D đóng vai trò bộ định tuyến kết nối các tiêm kích với nhau, giúp phi công Mỹ không cần dùng chiến thuật "cưa máy" kiểu cũ.

PLA có thể phải miễn cưỡng điều oanh tạc vượt quá tầm bảo vệ của tên lửa phòng không và các tiêm kích đóng quân trên đất liền. Do sở hữu số lượng ít máy bay tiếp liệu cỡ lớn, PLA không có nhiều lựa chọn để mở rộng phạm vi hoạt động của tiêm kích.

Việc cho oanh tạc cơ hoạt động gần đất liền giúp Trung Quốc bảo vệ chúng tốt hơn trước tiêm kích F/A-18 của Mỹ, song lại hạn chế đáng kể cơ hội tiếp cận để phóng tên lửa vào tàu sân bay đối phương.

Các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông có thể giúp mở rộng tầm hoạt động của tiêm kích, nhưng chúng quá nhỏ và cô lập để mang lại giá trị chiến lược lớn trong trường hợp nổ ra xung đột giữa các siêu cường. Đường băng trên các đảo nhân tạo này cũng dễ dàng trở thành mục tiêu tập kích của các loại khí tài Mỹ.

Công nghệ và học thuyết quân sự từ những năm 1980 tới nay trải qua nhiều thay đổi lớn, nhưng có một điều không đổi là Trung Quốc vẫn cần triển khai cả trăm oanh tạc cơ tương tự thời Chiến tranh Lạnh để đe dọa một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Không quân và hải quân Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 200 oanh tạc cơ H-6. Tuy nhiên, không quân đội nào có thể duy trì 100% số máy bay được biên chế trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Phần lớn các phi đội oanh tạc cơ duy trì 50% lực lượng ở chế độ trực chiến.

Hai tiêm kích Su-30 của Trung Quốc hộ tống oanh tạc cơ H-6K diễn tập bay biển, tháng 11/2017. Ảnh: PLA.

Hai tiêm kích J-11 của Trung Quốc hộ tống oanh tạc cơ H-6K diễn tập bay biển, tháng 11/2017. Ảnh: PLA.

"PLA cần đủ oanh tạc cơ H-6 để thực hiện chính xác một cuộc đột kích lớn vào nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Số oanh tạc cơ còn lại trong kho có thể giúp bù đắp tổn thất trong trận đột kích đầu tiên", David Axe viết. "Đợt tập kích quy mô lớn thứ hai có thể khả thi. Tuy nhiên, với mỗi oanh tạc cơ bị hạ, Trung Quốc lại mất đi một phần khả năng tập trung hỏa lực để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của tàu sân bay Mỹ".

Tuy nhiên, biên tập viên Axe nhận định PLA không cần phá hỏng hoặc đánh chìm thật nhiều tàu sân bay Mỹ để tạo ra khác biệt. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ sở hữu 5 tàu sân bay, việc mất một trong số này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng về nguồn lực và chính trị.

"Khi xảy ra chiến sự, lực lượng oanh tạc cơ của Trung Quốc có thể chỉ phóng được một vài quả tên lửa vào tàu sân bay Mỹ, song đó có thể là tất cả điều họ cần", Axe kết luận.

Nguyễn Tiến (Theo Forbes)

VNExpress

oanh tạc cơ, H-6, Trung Quốc, tàu sân bay Mỹ, quân đội Trung Quốc, hải quân Mỹ, Quân sự, Tư liệu


© 2021 FAP
  4,067,732       5/1,030