Khi con đã lớn

Con trai bạo lực

PNCN - Con trai tôi năm tuổi, bé khá hiếu động, chồng tôi vì công việc thường xuyên công tác xa nhà nên chuyện chăm sóc và dạy con gần như chỉ có tôi.

Tuy nhiên, tôi cũng bận việc nên nhờ bà ngoại giữ cháu hộ. Đứa cháu đầu, gần gũi nhiều nên bà ngoại rất thương và chiều cháu, hễ cháu đòi gì bà cũng đồng ý vô điều kiện, có hôm con trai tôi khóc lóc đòi lấy cả hình trên bàn thờ của ông ngoại xuống chơi… mẹ tôi cũng chiều với giải thích “vì cháu khóc dữ quá, tội nghiệp”. Tôi về có nói chuyện với mẹ mình và la con, nhưng vì sống chung nên mỗi khi tôi đánh hay la con thì bà ngoại đều can ngăn, nên con tôi không sợ mẹ.

Từ lúc cháu hơn bốn tuổi, tôi và chồng thường mua những đĩa phim hoạt hình và đồ chơi siêu nhân cho con, cứ nghĩ con là con trai nên mua những thứ đó là hợp lý. Một thời gian sau, tôi nhận thấy con bắt đầu có xu hướng bạo lực, cháu bị cô giáo nhắc nhở là hay chọc phá và đánh nhau với các bạn trong lớp. Về nhà cháu thường hay đập phá đồ chơi một cách mạnh bạo, hành động cứ như “siêu nhân”, nào là múa kiếm, bắn súng inh ỏi suốt ngày. Cháu thường dùng súng và kiếm siêu nhân bằng đồ chơi chĩa vào người khác (kể cả người lớn như bà ngoại, mẹ) rồi lại “ra lệnh” cho bà ngoại lấy nước, sữa, cơm cho ăn... Gần đây tôi tuyệt đối không cho con xem và chơi đồ chơi siêu nhân mà thay bằng những món đồ chơi khác. Khi tôi dạy con thì bà ngoại cứ can ngăn, và tôi cũng không thể suốt ngày la mắng con… Liệu chúng tôi có cần sự cứng rắn hơn để dạy con?

Bảo Anh (Q.Bình Thạnh)

Chị Bảo Anh thân mến,

Chúng tôi rất chia sẻ với nỗi lo của chị về những biểu hiện, xu hướng phát triển của bé trai nhà chị, và cũng rất ủng hộ chị đã có biện pháp tích cực trong việc giáo dục cháu khi “cắt giảm” những đồ chơi và phim ảnh mang tính bạo lực. Tuy nhiên, kết quả chưa như chị mong muốn. Thật ra, đây cũng là điều bình thường trong “lộ trình” dạy dỗ, uốn nắn con trẻ. Bởi cháu vốn đã bị các “siêu nhân” ảnh hưởng từ suy nghĩ đến hành động, nên việc thay đổi không thể một sớm một chiều. Để thay đổi một hành vi tiêu cực của con trẻ thì rất cần thời gian và sự kiên nhẫn của người lớn - đặc biệt là mẹ - người gần gũi nhất với con cái. Hơn nữa, khi chị “cai” một trò chơi, thú giải trí này của con thì phải thay bằng một trò chơi khác lành mạnh, tích cực hơn. Chị có thể mua lego lắp ráp ngôi nhà, xe… để kích thích tư duy cho bé, hay những quyển truyện tranh để bé xem hình và mẹ cũng có thể tham gia là đọc cho con nghe và điều quan trọng hơn “sự cứng rắn” là anh chị cần dành nhiều thời gian cho bé hơn nữa.

Với đặc thù công việc xa nhà, chồng chị đương nhiên sẽ bị hạn chế rất nhiều thời gian gần gũi cháu. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cách để bù đắp sự xa cách này. Không quá khó để cháu có thể nói chuyện với ba qua điện thoại hoặc các ứng dụng trên internet: yahoo chat, skype… Việc trò chuyện thường xuyên này sẽ giúp tình cảm gia đình khắng khít hơn và cũng là cơ hội để cháu nhận được tác động giáo dục ở cả ba lẫn mẹ. Việc chị cắt giảm đồ chơi mang tính bạo lực cũng nên được thông báo cùng chồng. Những băn khoăn, trăn trở về sự phát triển của con, trước hết, chồng chị phải là người được chia sẻ đầu tiên. Với việc chia sẻ này, tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” trong cách giáo dục con sẽ được ngăn chặn.

Tuy nhiên, còn một vấn đề quan trọng trong câu chuyện của mình mà chị cần phải lưu tâm: việc dạy con trẻ đòi hỏi sự chung tay của tất cả thành viên trong gia đình. Như vậy, không chỉ từ chị hay chồng mà cả bà ngoại cũng là một tác nhân cần được tính đến, chị nhé!

Với người lớn tuổi, việc góp ý cách giáo dục cháu cần phải hết sức tế nhị. Việc “chạm trán” giữa các quan điểm chăm sóc, dạy dỗ con cháu ở các thế hệ là điều thường xảy ra không dễ hóa giải. Con trẻ rất dễ nhận thấy điều này để tranh thủ tìm “đồng minh”. Chị cần tỉ tê với mẹ mình trong những lúc chỉ có hai mẹ con để mẹ hiểu và thông cảm cho tâm tư của chị. Song song đó, chị cũng có thể dẫn chứng việc người lớn chúng ta chiều chuộng trẻ thì hậu quả sẽ khôn lường. “Nước mắt chảy xuôi”, chúng tôi tin với cách nói mềm mỏng, thái độ ôn hòa, bà ngoại sẽ thấu hiểu cho chị và điều tiết việc nuông chiều cháu.

Chúc gia đình chị luôn nhiều tiếng cười! Thân ái!

ThS Tô Nhi A (Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM)
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

Con trai bạo lực


© 2021 FAP
  674,354       2/1,030