Khi con đã lớn

“Buôn dưa lê” trong giờ học

PNCN - Con gái lớn của tôi 13 tuổi, cái tuổi dở dở ương ương thật khó bảo. Lời cha mẹ nói với cháu như “nước đổ đầu vịt”, hò hét năm lần bảy lượt mà cháu vẫn không nghe.

Chuyện chẳng có gì lớn, chỉ là nhắc nhở cháu giờ giấc học hành, sinh hoạt hay uốn nắn trong cách ăn mặc, nói năng… Với tính hay cãi, cháu chỉ muốn làm theo ý mình. Có lúc cháu còn hỗn: “Mẹ nói hoài không mỏi mồm à?”.

Ở nhà cháu ít nói chuyện nhưng đi học thì cháu “tía lia”, đến nỗi mấy lần cô giáo gọi điện thoại mách. Vì bận “tám” nên cháu không tập trung toàn tâm toàn ý vào bài giảng của thầy cô, không còn giữ thành tích học tập giỏi như trước. Các bạn cũng bị cháu lôi kéo vào trò “buôn dưa lê” trong giờ học, gây lo ngại cho các phụ huynh. Tôi không biết làm sao để trị tội nói chuyện riêng với bạn trong lớp của cháu. Tại sao chỗ cần nói chuyện, cháu không chịu nói mà chỗ không được phép nói thì cháu lại quá tích cực?

Nguyễn Thị Kiều Sương (Q.7, TP.HCM)

Chào chị Kiều Sương,

Chắc chị cũng đã nghe nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông về tuổi dậy thì, giai đoạn nhạy cảm của trẻ. Ở tuổi này, trẻ đang phát triển rất nhanh về thể chất và có nhiều tâm tư về bản thân, về mọi người xung quanh… Trẻ có nhiều nhu cầu như muốn khẳng định mình là người lớn, muốn tách rời sự “quản lý” của bố mẹ, có nhu cầu kết giao với bạn bè… Nhưng với hầu hết bố mẹ thì đó là tuổi dở dở ương ương vì các cháu thường ương bướng, khó bảo, hay cãi, thích làm theo ý mình, “đóng cửa” với cha mẹ… Tuổi này, các cháu không thích nghe cha mẹ nói nhiều, không thích bị mắng chửi, càng không thích bị coi là con nít. Nếu cha mẹ nói nhiều, chê trách, các cháu sẽ ức chế và phản ứng tiêu cực bằng cách cãi lại hoặc im lặng chống đối ngầm. Các cháu thích được cha mẹ và người lớn tôn trọng, coi như một người lớn bình đẳng, thích cha mẹ đối xử với mình như một người bạn, chia sẻ, tâm tình, tư vấn chứ không áp đặt.

Vấn đề nói chuyện riêng trong lớp của cháu và các bạn cũng liên quan đến tâm lý lứa tuổi. Do thích kết giao bạn bè, coi trọng bạn bè và cũng có nhiều chuyện bí mật không muốn hay không có thời gian chia sẻ cùng cha mẹ, nên đến lớp là cơ hội để các cháu “xả” với nhau. Nếu ở nhà cháu không có lúc nào để nói do bận học nhiều, do cha mẹ ít nói chuyện… thì đến lớp cháu... nói bù cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, nếu bài giảng của thầy cô không đủ hấp dẫn, thuyết phục được các cháu thì cũng là cái cớ để các cháu thì thầm to nhỏ.

Cháu nhà chị thích nói chuyện cũng là một ưu điểm lớn. Cháu có khiếu nói, kết giao với nhiều bạn như vậy có lẽ cháu là cô bé nhanh nhẹn, ưa hoạt động, giỏi giao tiếp. Nhiều cha mẹ khác đang đau đầu vì con không biết giao tiếp, không có bạn. Chị nên nhìn vào điểm tích cực này của cháu để thấy con đáng yêu.

Tuy nhiên, chị đã có lý khi lo lắng con và bạn nói chuyện riêng trong giờ học sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Chuyện này muốn khắc phục cần kiên nhẫn. Chị có thể tâm tình cùng con vài lần xem con hay nói chuyện gì trong lớp, với những ai, các bạn đó là người như thế nào, học ở lớp điều gì làm con vui nhất, điều gì làm con chán nhất… Qua trò chuyện thân mật như một người bạn, chị sẽ hiểu được nguyên nhân tật “buôn dưa lê” của cháu. Nên tránh thái độ chê trách, phán xét. Từ từ, chị phân tích cho cháu hiểu tác hại của việc nói chuyện trong giờ học, cảm giác của thầy cô… và hướng dẫn cháu nói đúng lúc, đúng chỗ. Sự tư vấn của người lớn chỉ có tác dụng khi cháu tin tưởng, cảm thấy người lớn hiểu cháu, ủng hộ cháu.

Để tới ngày con nói “mẹ thật tâm lý” là một hành trình dài, nhưng tôi tin chị sẽ làm được với tình yêu con. Hoài niệm về thời trẻ của chính mình cũng là cách để chị hiểu con, đồng cảm với con hơn.

 Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

buôn dưa lê, tình yêu, đồng cảm


© 2021 FAP
  873,897       1/827