PN - Trẻ rất thích khám phá thế giới xung quanh. Tính tò mò này nếu được nuôi dưỡng từ sớm, sẽ giúp tăng cường khả năng sáng tạo và học hỏi của trẻ.
Trò chơi này cho phép trẻ vừa được làm thủ công, vừa thấy được phản ứng của các chất hóa học có trong đời sống hàng ngày. Hay nhất là mặc dù đây là một phản ứng hóa học khá “hoành tráng”, nhưng nó hoàn toàn vô hại với trẻ.
Nguyên liệu
Bột nổi và giấm
Có rất nhiều lựa chọn để làm phần núi lửa, như sử dụng cát, đất sét, giấy bìa hay thậm chí bột làm bánh. Các nguyên liệu còn lại sẽ là: bột nổi (baking soda), giấm trắng (giấm hóa học), nước rửa chén, màu thực phẩm (đỏ và cam), chai hoặc ly nhựa, bình để rót hoặc ống chiết thí nghiệm.
Phần nguyên liệu của “nham thạch” sẽ là bột nổi (baking soda) và giấm trắng. Hai nguyên liệu này có thể mua ở bất kỳ tiệm tạp hóa hay nơi bán nguyên liệu nấu ăn/làm bánh. Khi trộn lẫn hai chất này với nhau, chúng sẽ gây ra một phản ứng hóa học tạo ra khí carbon dioxide.
Dùng cát (giấy/đất sét) làm núi lửa vây quanh miệng của ly hay chai nhựa đặt bên trong
Thực hiện
Về phần mô hình núi lửa, bố mẹ lựa chọn một loại nguyên liệu để bé dễ thực hiện nhất. Sau đó, chuẩn bị không gian để bé có thể “xây dựng” núi lửa. Dù là cát, đất sét hay giấy, người lớn chỉ nên làm mẫu và hướng dẫn cho bé tự thực hiện. Cấu tạo mô hình núi lửa này cần phải được xây xung quanh miệng của chai hay ly có sẵn. Sau khi xây xong, có thể trang trí bằng màu vẽ, phông nền hoặc đồ chơi trang trí.
Trang trí mô hình núi lửa với màu vẽ và đồ chơi
Phần hấp dẫn nhất của trò chơi này là trộn các chất. Bố mẹ đo lường các nguyên liệu và cho bé tự trộn lấy. Đầu tiên, lấy ba-bốn muỗng bột nổi, trộn với một muỗng nước rửa chén và một vài giọt màu đỏ, rót tất cả vào miệng núi lửa (chai hay ly bên trong). Sau đó, chuẩn bị một bình rót hay ống thí nghiệm chứa giấm trắng, đưa cho bé rót vào miệng núi lửa. Phản ứng giữa bột nổi và giấm trắng sẽ tạo ra hiện tượng khí sủi bọt, cộng với bong bóng bọt của nước rửa chén và màu đỏ sẽ làm cho “dung nham” phun trào ra khỏi miệng núi lửa.
Rót giấm vào miệng núi lửa để kích thích phản ứng với bột nổi
Chắc chắn phản ứng này sẽ làm bé thích thú và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra bên trong núi lửa. Để bé hiểu rõ hơn hiện tượng này, sau khi thí nghiệm đã hoàn tất, bố mẹ có thể đem bột nổi đổ ra đĩa, trao cho bé một ống chiết hay bình rót chứa giấm (pha với màu thực phẩm nếu muốn) để bé có thể tiếp tục chơi với phản ứng hóa học. Khí carbon dioxide mà thí nghiệm này tạo ra có nồng độ thấp và không gây hại, nên bố mẹ có thể an tâm để trẻ quan sát.
X. Hạo
kiến tạo núi lửa, thủ công, quan sát