Khi con đã lớn

Trẻ khó chơi với em

PNCN - Tôi có bé trai hai tuổi rất bụ bẫm, dễ thương, nhưng con gái 12 tuổi của tôi lại không chịu chơi đùa với em. Cháu nói “em nhỏ quá, không biết chơi”...

Cuối cùng cháu kết luận: “Con không chơi với em đâu, bực lắm!”. Cuộc chơi của hai chị em thường kết thúc với cảnh tượng cậu em khóc, nằm vạ, còn cô chị thì la toáng, đùng đùng bỏ lên cầu thang. Tôi thường bắt cháu lớn quay xuống tiếp tục chơi với em, cháu phụng phịu, rồi cũng ngồi chơi nhưng chốc lát lại cau có, la nạt, đánh em.

Tôi dạy cháu làm chị phải biết nhường nhịn em, nhẹ nhàng với em, nhưng cháu luôn vi phạm. Phải chăng do chị em đứa nếp đứa tẻ sẽ khó chơi chung? Phải chăng do khoảng cách tuổi tác của hai cháu quá xa nên khó đồng cảm? Tôi muốn khi gần gũi, các con sẽ gắn bó, yêu thương nhau hơn, lớn lên chị em sẽ bảo bọc, nâng đỡ nhau. Tôi phải làm sao?

Trần Thị Hồng (Q.5, TP.HCM)

Chị Hồng mến,

Cha mẹ nào cũng mong các con mình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Anh chị rất quan tâm xây dựng tình cảm chị em cho hai cháu. Qua thư của chị chưa thấy có dấu hiệu nào khẳng định cô chị không biết thương cậu em, mà ở đây có vấn đề khoảng cách lứa tuổi và cách ứng xử của cha mẹ.

Hai bé nhà anh chị cách nhau mười tuổi, đó là sự khác biệt lớn về tâm sinh lý nên cách ứng xử, cách chơi có khác nhau. Bé gái đang bước vào tuổi dậy thì, trong giai đoạn phát triển tâm lý phức tạp. Cháu vừa muốn khẳng định mình biết yêu thương em, nhưng cũng vừa muốn thể hiện cái tôi ương bướng. Đây là giai đoạn trẻ có những thay đổi rõ rệt về mặt thể chất và tâm sinh lý. Trẻ cũng tự nhận thức rõ về bản thân mình hơn, do đó không muốn bị coi là trẻ con, không muốn chơi trò của con nít, chỉ muốn khẳng định sự độc lập “người lớn” của mình. Chính giai đoạn này trẻ trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, nên dễ xung khắc với người khác. Cháu gái cũng đã vào cấp II, bài vở nhiều, ít có thời gian chơi lâu với em. Cháu trai đang ở “tuổi lên ba” với những đặc điểm tâm lý như bướng bỉnh, khó bảo, hiếu động, thích tranh giành, chỉ biết “của em” chứ chưa biết “của chị”, chưa biết cách chơi hợp tác, khó kiểm soát cảm xúc nên hay nổi nóng, cắn, nhéo chị. Các cháu ở hai giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi khác biệt nên không dễ chơi với nhau cũng là điều nên thông cảm.

Có thể vì một nguyên nhân nữa: do cháu gái thấy em trai nhỏ bụ bẫm, dễ thương, được cha mẹ và mọi người cưng nựng nên có chút chạnh lòng, ghen tỵ. Điều này có thể khiến cháu khó hòa thuận với em. Và với đặc điểm tính cách của bé gái 12 tuổi, khi chị càng bắt cháu chơi với em, cháu sẽ càng phản ứng tiêu cực như miễn cưỡng, cau có, đánh mắng em...

Để các con vui chơi trong “hòa bình”, vợ chồng chị có thể tham khảo một vài ý sau:

Hiểu quá trình phát triển tâm lý lứa tuổi của hai con, từ đó tạo những dịp vui chơi cho cả nhà, phù hợp với nhu cầu của các cháu. Không ép các cháu phải chơi chung những trò chơi chỉ phù hợp với một trong hai bé.

Khuyến khích con gái ở vai trò làm chị, chơi và dạy em học. Nếu anh chị khen ngợi, động viên, cháu sẽ có thêm niềm vui, thấy mình có ích, được khẳng định bản thân. Điều này các bé ở tuổi dậy thì rất cần.

Hướng dẫn cháu trai biết nghe lời cha mẹ, biết cảm ơn khi chị cùng chơi.

Đọc hay kể những câu chuyện, bài thơ về tình anh chị em ruột thịt cho cả hai chị em nghe. Điều quan trọng nhất để xây dựng tình cảm chị em gắn bó là cha mẹ cần kiên nhẫn, chấp nhận cá tính của con và khuyến khích các cháu giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Người lớn cũng cần đối xử tốt với anh em họ hàng để làm gương cho con. Theo năm tháng, các con sẽ lớn khôn và học được cách yêu thương nhau. Chị hãy đặt niềm tin ở các cháu.

Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

trẻ khó chơi với em, tình cảm chị em


© 2021 FAP
  873,970       1/827