PN - Đang dở việc, nhìn thấy số điện thoại quen thuộc hiện lên trên màn hình, anh xẵng giọng: Lại tiền chứ gì?
- Lại tiền chứ gì?
Đầu dây bên kia không tiếng trả lời khiến anh càng bực lớn tiếng quát, nhưng vọng lại chỉ là một tiếng tút dài.
Ngồi xuống ghế anh làu bàu: con với chả cái…
Thằng con anh năm nay đã 26 tuổi. Tầm tuổi này, con người ta đã có nghề nghiệp, có đứa còn làm được khối việc khiến bố mẹ nở mày nở mặt. Còn thằng con trai anh vẫn cứ lông bông, không công ăn việc làm, đã thế còn tiêu xài hoang phí. Từ ngày vợ chồng anh ly hôn, nó ở với mẹ, anh vẫn chu cấp tiền đều đặn hàng tháng, vậy mà dăm bữa nửa tháng nó lại hỏi xin tiền bố. Không cho thì thương con mà cho nó rồi, tiền cầm chưa nóng tay đã bay biến. Nhiều lần anh giục con đi tìm việc mà làm, nó bảo: con tìm chưa ra. Thế là anh lại phải lục lọi các mối quan hệ nhờ vả. Cũng có vài công việc cho nó nhưng nó chẳng hào hứng, làm được dăm ba bữa lại bỏ. Anh vừa bực với con vừa ái ngại với người giúp, phải nói khó để người ta thông cảm. Từ đó, anh để mặc nó xoay xở.
Mẹ nó khổ sở vì nó nhiều hơn. Khi bố nó còn sống chung nhà thì chẳng mấy khi được yên ổn vì bố con nó to tiếng với nhau. Buồn vì nó, bực vì nó, khóc vì nó, lo lắng vì nó nhiều không kể hết. Có lần, nó hỗn, bố nó đuổi nó đi, trời mưa tầm tã mẹ nó chạy đi tìm con. Khi tìm được rồi phải rã miệng dỗ dành nó mới chịu về. Nhưng về đến nhà thì phải ngồi co ro ngoài cổng suốt đêm vì bố nó không cho vào.
Ngày bố mẹ nó ly hôn, nó vui vì không còn phải sống cùng nhà với người hay quát mắng nó, còn mẹ nó thì tan nát cõi lòng. Không hiểu là nó chưa đủ lớn khôn hay quá thờ ơ nên không nhận ra sự đổ vỡ đó một phần là do nó. Nhưng mẹ nó chưa một lần trách móc hay quy kết. Mẹ nó thương nó thiệt thòi.
Ly hôn được gần hai năm thì bố nó tái hôn. Một năm sau thì có một đứa trẻ thế vào chỗ của nó. Sự quan tâm của bố dành cho nó vốn đã ít giờ lại bị san sẻ. Nó căm hận bố. Nó trả thù bằng cách moi tiền bố, càng nhiều càng tốt. Mẹ nó cũng có những cơ hội để xây dựng hạnh phúc mới nhưng bà khước từ. Trong đầu mẹ nó luôn thường trực ý nghĩ: liệu có người đàn ông nào đủ yêu thương và bao dung để chấp nhận một đứa con như nó? Cũng từ đó, trách nhiệm trên vai mẹ nó nặng nề hơn nhưng chưa bao giờ mẹ nó thôi cố gắng, để rồi cay đắng nhận ra mình chẳng thể làm tròn vai khi con cứ trượt dài trên con đường hư hỏng. Khi thì đi bạt mạng cả tuần không về, khi thì say xỉn ngoài quán rượu, khi thì đánh nhau sứt trán mẻ đầu, khi bị công an còng tay vì đua xe trái phép. Mẹ nó dần dần trở nên bất lực.
Có lẽ nó cứ sống theo kiểu của một kẻ bất cần như thế nếu không vô tình chứng kiến cảnh mẹ nó cự tuyệt lời cầu hôn của người đàn ông vẫn luôn âm thầm ở bên cạnh mẹ con nó lâu nay. Nó nhận ra nó thật vô tâm, ích kỷ và tàn nhẫn. Vì thế, nó quyết định thay đổi.
Mẹ nó xứng đáng được sống hạnh phúc. Nó không muốn vướng chân, cản trở con đường tìm lại hạnh phúc của mẹ. Nó đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình: sẽ đi một nơi thật xa để bắt đầu gây dựng những thứ nó chưa có. Mẹ nó không thạo internet, nó cũng không đủ dũng cảm để gọi điện từ biệt mẹ nên trước khi đi nó đã bí mật để lại đầu giường mẹ nó một lá thư. Còn bố nó, dẫu chưa thực sự mở lòng nhưng nó nghĩ cũng cần phải dành cho ông ấy một lời chào. Tiếc là câu cửa miệng quen thuộc của bố khi nghe nó gọi đã chặn đứng ý nghĩ tốt đẹp trong đầu nó.
Ngồi vào bàn nhưng bố nó không tập trung làm việc được. Chưa có khi nào thằng con trai lại gọi điện thoại "không lời" như thế, chí ít thì cũng tiếng bố ngập ngừng, ngượng nghịu khi xin mấy chục ngàn dằn túi. Lòng có chút lo lắng, đang họp, bố nó tranh thủ soạn vội tin nhắn. Nửa tiếng sau, có một tin nhắn gửi đến:
- Con gọi điện không phải để xin tiền. Bố giữ gìn sức khỏe, chắc phải còn rất lâu nữa bố con mình mới gặp nhau.
Hoảng, bố nó bấm số gọi con không chỉ một mà rất nhiều cuộc nhưng đều không có tín hiệu liên lạc.
Hồng Lĩnh
tiền, lạc mất tín hiệu