Khi con đã lớn

Nói thật hại thân?

PNCN - Ngay trong những buổi đầu tiên của năm học mới, con tôi đã có những va chạm đáng lo ngại với vài bạn cùng lớp. Khi thấy một bạn lấy cắp tiền của bạn khác...

Cũng vì tính trung thực nên năm học lớp 1 vừa qua, cháu bị nhiều bạn ghét, cô lập vì đã báo với cô giáo việc các bạn xem bài nhau trong giờ kiểm tra. Bố cháu dặn nếu cô giáo hỏi đến những việc làm xấu của các bạn thì cứ bảo “không có” hoặc “không nhìn thấy” cho xong chuyện. Tôi thì băn khoăn, vì biết nói dối là không tốt, nhưng cháu cứ nói thật thì lại nguy. Xin chuyên gia tư vấn cho vợ chồng tôi.

Nguyệt Ánh (Q.9, TP.HCM)

Chị Nguyệt Ánh mến,

Mười năm đầu đời của trẻ được xem là giai đoạn đầu tiên trẻ tiếp cận với thế giới và hòa nhập vào môi trường xã hội. Xét ở góc độ tâm lý, trẻ em lứa tuổi này trải qua hai giai đoạn phát triển là tìm hiểu thế giới xung quanh và hòa nhập với xã hội. Do đó, những tác động, thay đổi dù rất nhỏ cũng có thể để lại hệ quả lâu dài. Sự đắn đo, cân nhắc của chị là phải lẽ.

Trong những tình huống khó xử khi con nói thật - nói dối hay né tránh sự thật, phụ huynh nên khuyến khích con rằng: “Con đã làm đúng khi nói thật”. Tuy nhiên, có một số lưu ý về cách thức nói thật để giúp người sửa sai mà vẫn không hại mình. Chẳng hạn, bố mẹ phân tích cho con thấy, nếu con “méc” cô trước cả lớp thì có thể con sẽ gặp nguy hiểm với đám bạn xấu, có thể chúng sẽ đánh lén con. Nên nói với con: “Hãy để bố mẹ nói với cô giáo giùm con” và nên thực hiện lời hứa ấy ngay khi có thể. Sau khi báo cho giáo viên, bố mẹ cũng nên kể lại và chia sẻ với con. Như vậy, trẻ sẽ thấy yên tâm và tự tin hơn về hành động của mình. Hoặc phụ huynh hướng dẫn trẻ chọn thời điểm thích hợp để trao đổi riêng với cô về những gì mình đã mắt thấy tai nghe.

Nếu vì sợ những va chạm có thể nảy sinh, phụ huynh khuyên con nói dối hoặc nín lặng cầu an là không nên, vì chắc chắn sẽ làm trẻ đánh mất những phẩm chất đáng quý, nhất là sự chân thật và lòng can đảm. Xã hội xưa nay vẫn xem “trung thực” là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá nhân cách con người. Dạy trẻ nói thật là điều hết sức quan trọng trong việc định hình nhân cách con trẻ.

Dạy con nói thật thế nào là đúng cách và hiệu quả? Thực ra, trẻ tự nhiên đã sẵn tính tôn trọng sự thật. Vấn đề là người lớn đừng để trẻ có những trải nghiệm khiến trẻ nghĩ lệch rằng không nên nói thật. Việc đơn giản nhất là chính bản thân người lớn phải làm gương trong việc nói thật, và điều đặc biệt quan trọng là đừng bao giờ nói dối con trẻ. Người lớn đừng tưởng trẻ mau quên mà nói dối để “chống chế” trong một vài tình huống nào đó. Nghĩ thế là một sai lầm! Trẻ con có trí nhớ vô cùng tốt, đủ nhạy bén để biết rằng “người lớn không nói thật” và biết bằng thái độ thất vọng. Vì vậy, muốn trẻ nói thật, người lớn phải nói thật. Điều này ai cũng biết, nhưng trong từng tình huống cuộc sống rất dễ “việt vị” vì vô ý và làm theo thói quen. Khi buộc phải nói dối để bảo vệ hoặc tránh tổn thương người khác, phụ huynh cần cắt nghĩa cho trẻ biết đó là lời nói dối “có lợi” chứ không phải dối lừa, gây hại người khác.

Tuy nhiên, với trẻ dưới mười tuổi, để biết cái nào nên nói thật và cái nào không nên không hề đơn giản. Ngay bản thân những người lớn như chúng ta cũng mắc phải sai lầm vì nói ra những sự thật không nên nói. Vì vậy, cha mẹ cần tận dụng những tình huống trong cuộc sống để dạy con, từ từ trẻ sẽ “rút kinh nghiệm” để ứng xử đúng đắn.

Chuyên viên tham vấn NGUYỄN THỊ TỪ AN

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

nói thật hại thân, dạy con, va chạm


© 2021 FAP
  673,887       1/904