PN - Hầu như bậc phụ huynh nào cũng khuyên nhủ con phòng bệnh nhưng không phải ai cũng có kiến thức về y học và sức khỏe để dạy con.
Ngày nọ, chị nữ đồng nghiệp có con bị sốt, dù cả hai vợ chồng cùng thương con, cùng tìm “phương thức tối ưu” nhất giúp con mau lành bệnh nhưng cả hai lại… cãi nhau chí chóe. Ai cũng cho hiểu biết của mình đúng nhất. Cuối cùng, khi tham khảo ý kiến bác sĩ (BS) thì hóa ra họ chỉ hiểu lơ mơ về y học mà thôi.
Câu chuyện này, hầu như khá phổ biến như… trong sách! Ở đó, BS Miu Miu đã giải thích bệnh và cách phòng bệnh cụ thể.
Người mẹ nào không có lúc âu lo khi con sốt xuất huyết, đau răng, suyễn, viêm mũi dị ứng… Chà, những lúc đó thằng nhóc làm nũng phải biết khiến bố mẹ càng âu lo hơn. Lại có cô bé bị bệnh phải tiêm thuốc, nhưng em không chịu để BS “tét” một cái vào mông. Đau lắm. Hãy nghe BS Miu Miu giải thích: “Đó là để các cơ ở chỗ tiêm dãn ra và người bệnh cảm thấy ít đau hơn khi bị tiêm”. Rồi, khi trẻ “ách xì” thường dùng tay bịt mũi. Chuyện này có nên hay không? Tất nhiên là không vì chẳng khác gì lấy tay đón vi khuẩn.
Có đứa trẻ cắc cớ hỏi “vi khuẩn là gì?” thì phải trả lời sao? Chi bằng hãy kể lại câu chuyện nhân vật bé Tan Tan ăn bánh ngọt bị ngộ độc. Sau khi giải thích rõ ràng, phần kết luận ngắn gọn nhưng dễ nhớ: “Để tránh bị ngộ độc thực phẩm các bạn luôn để ý đến hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm và ăn chín uống sôi. Hơn nữa, trước khi nấu hoặc ăn, các bạn nhớ rửa tay thật sạch với xà phòng v.v…”.
Những lời khuyên này, không phải đứa trẻ nào cũng nhớ, cũng biết. Và nhờ câu chuyện minh họa bằng tranh vẽ, có đối thoại gần gũi sẽ khiến trẻ sẽ nhớ lâu hơn.
Huyền Sương
cùng con giữ gìn sức khỏe