Khi con đã lớn

Trẻ có ác ý?

PNCN - Hôm làm lễ “tốt nghiệp” trường mầm non, nhóm phụ huynh chúng tôi quan tâm nhiều tới cậu học sinh bị bệnh Down. Cháu được nhận phần thưởng, giấy khen, nhưng vẫn ở lại lớp Lá, dù đã chín tuổi.

Nghe phụ huynh chúng tôi bàn luận, đáng lẽ thương cảm bạn, con gái tôi lại chạy đến cậu bé ấy chọc ghẹo: “Anh Bu bị bệnh “đau” (Down) nhe! Lêu lêu mắc cỡ. Thôi mai mốt gọi bằng anh “Đau” cho rồi, khỏi gọi bằng anh Bu nữa. Anh "Đau" bị ở lại lớp! Lêu lêu…”. Tôi bực mình, lôi con vào một góc, la mắng. Từ bốn tuổi, con gái tôi đã thích bình phẩm, khen chê, đặc biệt là hay trêu ghẹo người khác. Chọc xong nó tỏ ra khoái chí, nhất là khi thấy “nạn nhân” phản ứng. Vợ chồng tôi rất lo tại sao con mình “ác” sớm như vậy?

Phước Tuấn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Anh Phước Tuấn thân mến,

Anh chị có lẽ cảm thấy “sốc” trước phản ứng và thái độ của con gái mình, nên đã phải lôi bé ra để la mắng. Phản ứng của con gái anh cho chúng ta hiểu hai điều. Một là bé đang nhận ra có sự khác biệt giữa người này người khác, không phải ai cũng như ai và đã biết so sánh hơn kém. Bé có xu hướng bình phẩm, khen chê thái quá, đó là do bé bị thu hút, tò mò, thắc mắc bởi sự khác biệt này, nhưng lại chưa hoàn toàn hiểu để tôn trọng nó. Điều thứ hai là bé còn đang suy nghĩ và hành động theo xung năng, như các bạn cùng lứa. Biểu hiện cụ thể: thích nói là nói, thậm chí nếu điều nói ra khiến xung quanh có phản ứng mạnh (cả tích cực lẫn tiêu cực) thì càng hưng phấn. Hưng phấn này không phải vì ác độc, mà vì bé nghĩ làm như vậy thì mình quan trọng, có quyền lực, có sức ảnh hưởng lên những người xung quanh. Vì thế, việc anh la mắng bé lúc đó có lẽ không giúp bé “vỡ lẽ” ra được, bé cần cha mẹ và người lớn giáo dục.

Giáo dục không đồng nghĩa với việc nhắc đi nhắc lại các bài học đạo đức hay giận dữ khi con “hư”, “ác”, bắt con phải im, hay áp đặt phải làm theo một cách. Giáo dục trước hết là giúp trẻ hiểu để tự nguyện tôn trọng quy tắc của đời sống. Có ba điều quan trọng đầu tiên mà trẻ không thể tự hiểu nên cần vai trò dẫn dắt của anh chị:

- Trẻ cần biết đúng về giá trị của mỗi người: Ba mẹ nên giúp trẻ cảm thấy sự tồn tại của mình, được người khác yêu thương, tôn trọng. Từ đó, trẻ có thể chấp nhận người khác cũng có giá trị, cũng cần được tôn trọng như mình vậy.

- Trẻ cần biết người khác khác biệt với mình, nhưng ai cũng có cảm xúc đau đớn, đau khổ. Vì vậy, không ai có quyền làm tổn hại đến người khác, về cơ thể cũng như về tinh thần. Phụ huynh có thể gợi lòng trắc ẩn của trẻ bằng những câu hỏi dạng như: “Khi con bị bạn chọc ghẹo, con thấy thế nào, rất buồn đúng không?”. Phụ huynh cũng có thể cùng trẻ đọc sách để tìm hiểu về sự khác biệt giữa người này với người kia về hình dáng, tính tình, thói quen, sở thích, cảm xúc… Trải nghiệm sẽ giúp trẻ cân nhắc và kiềm chế trước khi nói hay làm những việc có nguy cơ làm tổn thương người khác.

- Trẻ cần biết khái niệm về luật lệ. Trẻ chỉ có thể chấp nhận quy tắc khi hiểu rằng luật lệ không phải chỉ là cấm đoán, mà còn để bảo vệ chính trẻ và những người khác. Luật lệ không chỉ áp xuống với trẻ, mà cha mẹ cũng cần tuân theo, bởi trẻ thường có xu hướng vô thức kiểm chứng lời nói của cha mẹ, thử thách giới hạn đặt ra. Phụ huynh nên giúp trẻ củng cố luật lệ bằng việc “giữ lời”, thưởng phạt phân minh, khuyến khích khi trẻ làm việc tốt, giúp đỡ người khác.

Chúc anh và gia đình sức khỏe, hạnh phúc.

ThS tâm lý lâm sàng TRẦN THỊ HỒNG NHI

Bệnh viện Pháp - Việt TP.HCM.

Giảng viên khoa Tâm lý học,

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

trẻ có ác ý, bệnh down, phụ huynh


© 2021 FAP
  874,113       4/1,642