PNO - Cách đây một năm, bố tôi đã bỏ vợ con đến với người đàn bà khác. Mẹ tôi khủng hoảng thật sự. Bà khóc lóc, bỏ ăn uống, lúc nào cũng hy vọng bố sẽ quay trở lại và luôn sẵn sàng đón ông ta.
Tôi đã vượt qua khoảng thời gian phải chứng kiến người từng là thần tượng của mình dẫm đạp lên tình cảm của mình để ra đi. Lòng tôi dần nguội lạnh, thờ ơ, đến mức tôi còn cảm thấy khó chịu, bực tức và khinh thường mẹ, khi bà đau khổ và luôn luôn tìm mọi cách tranh đấu để giành giật ông ta về “cho chị em tôi”. Sau này, tôi bảo rằng tôi không cần đến ông ta, cầu mong cho ông ta biến mất suốt đời luôn đi, thì mẹ tôi sửa lại là “cho em tôi, vì nó còn quá nhỏ”.
Với em gái tôi, bố bỏ ra đi là một cú sốc vô cùng lớn. Phủ nhận mọi gắn bó, yêu thương, nó từ chối gặp mặt ông. Mẹ tôi bắt đầu thuyết phục em đi gặp bố với hy vọng em sẽ đưa bố quay trở về với bà. Bắt đầu là những cuộc điện thoại do chính bà bấm số rồi nhét vào tay em. Mỗi một lần nó nói chuyện với bố, bà đứng một bên, nhắc nó nên nói những gì, đòi hỏi, xin xỏ những gì. Con bé bị tổn thương và đau khổ. Thậm chí nó cảm thấy nhục nhã. Nhưng bà không buông. Bà bảo bà quyết không để cho ông ta và nhân tình của ông ta được yên. Bà sẽ phá hoại mối quan hệ của họ. Và khi chẳng còn ai, ông ta sẽ quay về gia đình.
Những cuộc điện thoại, những buổi gặp gỡ, những lần kêu ca vì em không có người đón đưa đi học, vì em bệnh, vì em nhớ bố hình như không có tác dụng gì trong việc níu kéo bố tôi. Mẹ tôi quyết định gửi em sang ở hẳn với bố: “Con phải giúp mẹ giữ lấy bố. Mẹ đã không ký vào đơn ly hôn vì muốn giữ bố cho con”. Mẹ tỉ tê, thuyết phục con bé tới vài ngày dù nó ra sức từ chối. Nó đã từng sang chơi nhà bố và biết điều gì sẽ chờ đợi mình ở đó. Không phải sự hành hạ, đối xử tàn nhẫn của mẹ ghẻ con chồng. Mà là sự ghẻ lạnh, những khinh rẻ, coi thường ngấm ngầm của một phụ nữ trí thức. Nó không muốn đi. Thế nhưng mẹ ép nó phải đi.
Trong khoảng thời gian 4 tháng phải sống cùng bố, con bé thỉnh thoảng trở về nhà chúng tôi, đóng cửa phòng, khóc và tự trấn an mình. Nó là một đứa trẻ kiêu hãnh, nó không chia sẻ được mọi việc với ai. Và nó không đủ sức từ chối nước mắt của mẹ. Nó bị giao một trách nhiệm quá nặng nề: phá hoại mối quan hệ của bố với người tình, đưa ông trở về với mẹ.
Cuối cùng nó không làm nổi. Nó cương quyết quay trở về nhà. Nhưng chúng tôi không còn có được con bé hồn nhiên, vô tư trước kia nữa. Ở tuổi lên 10, em gái tôi trở nên khép kín. Đối với nó cuộc sống không còn gì thú vị, nó chẳng quan tâm đến điều gì hết (hay ít ra nó hoàn toàn không chia sẻ điều gì với mọi người). Thậm chí nó trở nên hung hăng, bạo lực. Nó thường xuyên cãi cọ với mẹ, với bạn bè. Nó học hành sa sút hẳn. Nó thậm chí không thích đi ra đường, không thích hòa nhập…Thế nhưng mẹ tôi không hiểu điều đó. Bà cho rằng người phụ nữ kia hại nó và bà tiếp tục cuộc chiến đấu của mình với bố tôi, với gia đình của ông…
Giờ đây tôi chỉ có một mình trong cuộc chiến giành lại em tôi từ lằn ranh của cha và mẹ. Tôi xót xa và đau đớn khi nhìn thấy em tôi đang phát triển lệch lạc. Nó phải suy nghĩ về những vấn đề nghiêm túc của người lớn quá sớm. Nó phải làm những điều nó hoàn toàn không hiểu. Nó phải sống dưới một âm mưu, một sắp đặt quá nặng nề. Và tôi còn không biết nó còn phải chịu đựng những gì từ “phía bên kia”.
Tôi viết điều này cho cả những ông bố bà mẹ giống như bố mẹ tôi. Họ có nghĩ rằng những đứa trẻ như em tôi muốn gì, muốn sống với ai, muốn chia tay với ai hay không? Họ có biết rằng những việc làm của họ ảnh hưởng thế nào đến tâm hồn của con trẻ hay không? Nếu họ không nghĩ về điều đó hôm nay, khi họ quyết định mọi điều, ngày mai có thể sẽ muộn.
THANH HÀ
giành chồng, ly hôn, trách nhiệm