Khi con đã lớn

Con đi “bụi”

PNO - Với gương mặt phờ phạc, mệt mỏi, chị bảo suốt đêm không ngủ, lo lắng cho tương lai cô con gái đầu. Con bé mới 17 tuổi nhưng không biết đã bỏ nhà đi bụi bao lần.

Chồng chị làm chủ cửa hàng sơn, chị là chủ vựa ve chai. Dù bận bịu với công việc buôn bán nhưng buổi trưa, anh chị vẫn tranh thủ gác công việc, về nhà lo cơm nước, đưa đón hai cậu con trai nhỏ đi học. Cô con gái đầu của anh chị chỉ học hết lớp 9 là nghỉ học. Nhớ lại ngày ấy, chị không khỏi buồn phiền. Con nhỏ theo bạn bè xấu, bỏ học, chơi game. Hai vợ chồng chị hết đánh đến chửi, thậm chí hộ tống đến trường nhưng con bé vẫn nhất quyết không chịu đi học. Quá chán nản, anh chị đành để mặc con sống theo ý con.

Thấy con không muốn học chữ, chị nghĩ phải khuyên con đi học nghề. Nghe con nói thích nghề cắt tóc, chị vội tìm người quen, xin cho con vào học. Nhưng chỉ bảy ba hai mốt ngày, con bé lại chán học, bỏ theo đám bạn xấu, đi cả tuần mới về. Những lần đầu, con bỏ nhà đi, anh chị tất tả chạy xe khắp nơi tìm kiếm, còn lên báo công an hỗ trợ. Nhưng sau đó ít ngày, con trở về nhà, nói ở nhà bạn bè chơi. Quá giận dữ, chồng chị đánh đòn, chửi rủa, dọa đuổi con bé khỏi nhà. Chỉ chờ có vậy, con bé lập tức xếp quần áo, bỏ đi ngay. Lần khác, sợ nặng lời, con sẽ đi bụi nên mỗi khi con bé trở về, anh chọn việc tránh nhìn mặt con, còn chị chọn giải pháp nói năng thỏ thẻ. Chị bảo đã khuyên nhủ con hết lời, nói hết hơi nhưng cô con gái vẫn chứng nào tật ấy. Từ quần áo, giày dép, mũ nón, mĩ phẩm đến tiền tiêu vặt, anh chị không để con thiếu thốn. Ở nhà cũng không bắt con làm việc gì nặng nhọc, nhưng con bé vẫn không chịu ở yên trong nhà. Cường độ đi của con cứ ngày một dày lên. Biết rằng con đi ít hôm sẽ về nhưng anh chị bồn chồn, lo lắng không yên.

Có lần, con đi “bụi” cả tháng mới về nhà, chị thấy con gầy gò, xanh xao. Chị tra hỏi, con bé thật thà thú nhận chuyện có thai. Cái thai được hơn 2 tháng. Hỏi đến tác giả cái thai là ai, con bé lắc đầu, bảo không biết. Con và đám bạn thuê phòng ở khách sạn, dùng thuốc lắc nên không nhớ được đã quan hệ với ai. Chị nghe xong mà tối tăm mặt mũi, trời đất như sụp đổ. Chị giấu chồng, đưa con gái đi bệnh viện giải quyết “hậu quả”. Tưởng sau lần ấy, con gái sẽ ngoan ngoãn ở nhà nhưng chỉ được vài tháng, cháu lại ngựa quen đường cũ. Đến nước này, vợ chồng chị đành buông xuôi.

Chị hay nhớ lại hình ảnh của con khi còn nhỏ. Chị bảo ngày ấy cháu là một cô bé ngoan ngoãn, chăm học và luôn nghe lời cha mẹ. Nhưng ngày anh chị còn trẻ, vì cuộc sống ở quê khó khăn nên phải tha phương làm ăn. Anh chị gửi con bé cho bà ngoại. Hai vợ chồng lên thành phố đi buôn ve chai, một năm mới về quê một lần. Hơn 8 năm trời, anh chị chật vật ở xứ người gầy dựng sự nghiệp. Cuối cùng dư dả chút vốn, họ mới ra mở tiệm riêng, công việc làm ăn trôi chảy thì con gái lớn lại hư hỏng. Chị thở dài: “Có lẽ thời gian con ở với ngoại, bà cưng chiều nên cháu sinh hư”. Giai đoạn con phát triển, dậy thì, anh chị đã không ở bên cạnh để hiểu và chia sẻ với con. Khi cuộc sống ổn định, chị đón con lên thành phố để bù đắp cho con những ngày sống xa cha mẹ, thiếu thốn tình cảm. Ngược lại, con gái không quen với sự quan tâm của cha mẹ. Con bé lao vào ăn chơi, tụ tập theo bạn bè xấu, không học chữ, cũng không chịu học nghề.

Tôi hỏi: “Nếu thời gian quay trở lại, chị sẽ làm gì để giúp con gái không trượt dài xuống hố bùn như bây giờ”. Chị nói giọng buồn thiu: “Cha mẹ ở đâu, con ở đó. Có đói cũng không gửi con đi đâu”. Phải chi chị nhận ra điều này sớm hơn thì ngày nay con gái chị đã không thê thảm như bây giờ? Và chị sẽ không phải buồn khổ, thấp thỏm không yên khi mỗi khi thấy con đi “bụi” không về.

TỐ BÌNH
 

www.phunuonline.com.vn

con đi bụi, buồn khổ, thê thảm, dậy thì


© 2021 FAP
  873,985       1/828