Khi con đã lớn

Bụt chùa nhà không thiêng?

PNCN - Thưa chuyên gia, con người ta càng lớn càng khôn ngoan, còn con tôi càng lớn càng phát sinh nhiều tính xấu, trong đó, rõ nhất là cháu không tôn trọng cha mẹ...

Năm nay, cháu 14 tuổi. Xem gameshow trên ti vi, khi tôi trả lời sai các câu hỏi trắc nghiệm thì cháu trề môi: “Dễ ợt vậy mà mẹ cũng nói trật, mẹ dở ẹc. Bạn con giỏi lắm, trả lời trúng hết”. Gặp vấn đề gút mắc, cháu gọi điện cho bạn trong khi không hỏi cha mẹ một tiếng. Tôi tham gia biểu diễn văn nghệ trong công ty, cháu chẳng theo cổ vũ mà còn đánh giá thấp năng khiếu múa hát của mẹ, chê mẹ trang điểm quê mùa, chọn trang phục không “bờ - rồ” bằng… mẹ của nhỏ bạn. Tài nấu ăn của tôi vốn được họ hàng, đồng nghiệp khen ngợi, riêng cháu không hài lòng, dù hàng bữa cháu vẫn ăn với vẻ hào hứng.

Tôi trộm nghĩ, hay là cháu chê giả? Có người ngoài, cháu vẫn chê cha mẹ một cách ngang nhiên khiến tôi nhiều phen ngượng. Góp ý với cháu thì cháu cho rằng người lớn bảo thủ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, rằng cháu có quyền nói ra suy nghĩ của mình, không ai được phép ngăn cấm. Dù biết con trẻ người non dạ mới buông những lời nhận xét vô tư, nhưng nhiều lúc tôi tự ái và bực bội, cảm thấy con mình sao “khó ưa”. Thói quen chê “bụt chùa nhà” của cháu tạo nên một khoảng cách vô hình khiến vợ chồng tôi khó chia sẻ với cháu. Tôi phải ứng xử thế nào?

Thục Uyên (Q.10, TP.HCM)

Chị Thục Uyên mến,

Con gái chị đang có những biểu hiện tâm lý bình thường của tuổi vị thành niên. Tuổi này các cháu có đặc điểm nhận thức còn mang tính vị kỷ. Trẻ thường cho mình là trung tâm, quy về mình những điều tốt, điều phải. Vì thế trẻ có khuynh hướng đánh giá mình cao hơn so với thực tế, trong khi đánh giá người khác thì thường khắt khe, chê bai nhiều hơn… Và người bị trẻ “soi” nhiều nhất lại chính là cha mẹ. Điều này khiến cha mẹ không vui vì chạm tự ái, thậm chí còn lo lắng cho mối quan hệ cha mẹ-con cái và lo trẻ tự cao tự đại…

Thực ra, chuyện chê bai này nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, chị sẽ thấy con đang trưởng thành. Con chị đang dần hình thành những chuẩn mực đánh giá, biết khen chê đối với mọi vấn đề xung quanh. Điều này giúp cháu dần phát triển về nhận thức, xây dựng quan điểm sống. Con trẻ sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội rất khác cha mẹ, nên các chuẩn mực, góc nhìn cũng khác. Đây là chỉ sự khác biệt thế hệ về quan điểm sống, thói quen, sở thích. Vì vậy, con cái có cách nhìn nhận đánh giá rất không giống cách nghĩ thông thường của cha mẹ. Con gái sẽ có thể rất khác mẹ về gu thẩm mỹ, thời trang, trang điểm, nấu ăn…

Thay vì tự ái, phản ứng lại với những lời “chê bai” của con, chị có thể ứng xử mềm một chút, ví dụ như cười xòa và nhờ con tư vấn cho mẹ nên thế nào là đẹp, là phải. Khi trẻ thấy mẹ tin tưởng, "nhờ vả" mình… trẻ sẽ vui hơn. Có thể nhờ những dịp đi mua quần áo cùng con, chị sẽ được “lây” sự trẻ trung, giúp chị làm mới mình. Mua sắm cũng là dịp mẹ con đi chơi, giao lưu cùng nhau, qua đó tâm sự nhỏ to chuyện bạn bè, chuyện yêu đương của con, chị có thể ngầm định hướng lại cho con cách ứng xử, cách ăn mặc… sao cho phù hợp lứa tuổi, môi trường sống… Nhiều cha mẹ thường than phiền không biết làm bạn cùng con ra sao, thật ra khi cha mẹ biết tận dụng tình huống mà vô tình bé đang tạo ra để lắng nghe con, tranh luận cùng con thì sẽ có nhiều cơ hội để kết bạn với con.

Tâm lý con người khi được lắng nghe, được tôn trọng, được khen… thì họ có xu hướng phản chiếu lại những điều họ đang nhận được cho đối tượng giao tiếp. Có thể nói, giao tiếp là tấm gương phản chiếu chính cách chúng ta hành xử với người khác. Cha mẹ càng khó chịu trước chê bai của con thì con sẽ càng nhìn ra nhiều khuyết điểm để chê. Cha mẹ không nên tự ái mà hãy quay lại khen con biết cách nhận xét. Nếu ý kiến con hợp lý (không ai hoàn hảo, cha mẹ cũng có thể sơ suất), cha mẹ nên nhận sai và sửa, đó sẽ là bài học lớn cho con, giúp con mở lòng hơn với cha mẹ, nhìn ra nhiều điểm tốt ở cha mẹ.

“Bụt chùa nhà” thiêng hay không thiêng chẳng phải ở con mắt của trẻ mà là ở chính cách ứng xử của cha mẹ, phải không chị?

Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

bụt chùa nhà, ứng xử, hành xử


© 2021 FAP
  673,795       1/878