Khi con đã lớn

Đứa khôn, đứa dại

PN - Mẹ sinh ba đứa con, cùng lớn lên trong mái nhà nghèo, nhưng không cùng một tính. Các con lớn lên lựa chọn những ngả đường và thương yêu tùy cách.

Cuộc sống nơi đô thị với biết bao cám dỗ, đứa khôn thì biết tìm đúng đường mà đi. Con mẹ khôn ít, dại nhiều nên hết lần này đến lần khác sa ngã vào dòng xoáy của tham vọng và tội lỗi. Mẹ thương đứa dại nên mới phải chèo chống mưu sinh, còn đứa khôn vốn đã nhọc nhằn giờ thêm phần gánh nặng. Người ta nói “cá chuối đắm đuối vì con”, mẹ nỡ lòng nào không dang tay bao bọc.

Trong ba đứa chỉ có thằng Út là học hành thành đạt, khôn khéo hơn người. Nó thương ba mẹ nghèo nên sớm biết thu vén cuộc sống. Từ khi học đại học, Út làm gia sư, nhận làm thêm đủ việc để tiết kiệm tiền hùn vốn làm ăn với bạn. Tuy cũng có vài lần thất bại, nhưng Út không hề nản chí mà tìm cách xoay xở làm lại từ đầu. Con người ta chỉ riêng lo việc học đã kêu ca ầm ĩ, đằng này Út lo nhà dột, lo ba mẹ bệnh, lo mấy việc lớn ở nhà chưa có tiền chi. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Út vẫn đạp xe rong ruổi đi làm thêm và tìm kiếm cơ hội cho mình. Mẹ đôi lần bất ngờ xuống thăm, thấy Út ăn toàn mì tôm, mùa đông lạnh chăn chiếu không đủ ấm.

Thấy mẹ vội vàng sắm sửa, Út ngậm ngùi bảo: “Con lớn rồi mà vẫn để mẹ phải lo”. Trong gia đình, hễ đứa nào ngoan thì lại thường phải chịu thiệt thòi. Mẹ cứ áy náy mãi, lúc thằng Út ngã, mẹ còn mải nâng đứa khác bởi yên lòng rằng Út sẽ tự biết đứng lên. Giả dụ Út có cần đến sự giúp đỡ của mẹ thì cửa nhà cũng đã trống trơn, mẹ thì sức tàn lực kiệt. Đứa khôn biết tủi phận mình nên lại lầm lũi bước đi. Mẹ thương lắm cái phận làm em “ăn thèm vác nặng” mỗi lúc nhận từ tay Út chút tiền để lo khoản này, đắp đậy khoản kia.

Bao khoản nợ nần trong nhà đều vì hai đứa con đầu. Đứa thì cờ bạc đỏ đen, đứa thì ham mê tửu sắc. Đã vậy mẹ còn phải đèo bòng thêm vợ dại, con thơ của chúng. Những vết trượt dài không có điểm dừng, sự nghiệp tiêu tan, thân cô thế cô chỉ còn biết quay về giày vò bố mẹ, vợ con. Đứa hư mẹ giận lắm nhưng không đành bỏ mặc. Vì cứ nghĩ mình đẻ ra mà dạy con không đến nơi, đến chốn, để giờ nó chơi bời, phá phách thì mình phải chịu trách nhiệm.

Nó có bệ rạc thì vẫn là máu mủ, thiên hạ hắt hủi, xua đuổi nó đã đành, chứ bố mẹ nào dám đẩy con đến đường cùng. Nên cứ mỗi lần thấy con vác thân tàn ma dại về nhà van vỉ “mẹ ơi cứu con với”, là mẹ lại chạy vạy đủ đường, nhà có gì bán hết chỉ mong qua cơn hoạn nạn. Lần nào mẹ cũng nuôi hy vọng chẳng đứa nào dại mãi, rồi chúng cũng phải khôn mà học cách làm người. Nhưng chúng cứ trượt dài, đọa đày mẹ hết lần này đến lần khác.

Đã mấy lần mẹ không biết làm gì ngoài việc gọi: “Út ơi cứu lấy anh con!”. Út phờ phạc trở về đưa hết những đồng tiền tích cóp cho mẹ. Mẹ biết đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt mà con phải vất vả trăm đường mới có được, nhưng mẹ vẫn phải cầm. Người ta đến nhà xiết nợ, người ta dọa giết, trăm ngàn nỗi sợ bóp nghẹt tim mẹ ngày đêm. Thằng Út thương lắm nhưng biết sức mình chẳng thể nào gắng mãi. Nên có lần con nói: “Ngựa quen đường cũ, liệu mẹ có cưu mang nổi cả đời? Cứ thế này thì đến ngày nhà cũng không còn mà ở. Bố mẹ khổ thì đời con cũng khổ”. Nước mắt con rơi càng đắng lòng mẹ…

Những đứa con dại khờ, mẹ phải vất vả dõi theo từng đường đi nước bước của chúng như thời còn thơ bé. Có một buổi chiều nào đó, nhìn đứa dại quây quần với vợ con, mẹ mới giật mình thương thằng Út. Nó chưa vợ con gì, ngoài ba mươi mà tóc trên đầu đã nhiều sợi bạc. Mỗi lần nó về nhà, lại thấy hốc mắt nó thâm quầng vì thiếu ngủ, quần áo bụi bặm gió sương...

 VŨ THỊ HUYỀN TRANG

www.phunuonline.com.vn

đứa khôn, đứa dại


© 2021 FAP
  873,683       1/824