Khi con đã lớn

Máu… dơ?

PNCN - Lớp cháu có hai bạn kết mô-đen nhau (giống như là yêu vậy đó). Bạn trai thường xách cặp và thỉnh thoảng mua đồ ăn sáng hoặc nước uống cho bạn gái.

Bạn gái thường ngồi sau xe bạn trai chở đi học. Cả lớp có lần bàn tán xôn xao khi thấy bạn trai đi mua “đôi cánh” giùm trong kỳ tới “tháng” của bạn gái. Phe đầu đinh chửi hắn là “đồ đàn bà”, “làm mất mặt anh em”. Phe tóc dài cũng liếc xéo kẻ tội đồ rồi kêu “con trai gì mà đứt dây thần kinh ngại”, “bệnh quá à”…

Cho cháu hỏi: vậy phải cư xử thế nào? Lờ đi coi như không biết gì khi bạn gái đến kỳ hay nên giúp cả những việc “nhạy cảm” khi được nhờ vả? Làm thế nào mới đúng là một trang nam nhi?

(Một học sinh lớp 11, trường THPT Gò Vấp, TP.HCM)

Cháu thân mến,

Thời trước, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến người nữ không được ra vào những nơi linh thiêng thờ cúng (đặc biệt khi trong mình không được “sạch sẽ” như đang trong kỳ kinh hoặc lúc hậu sản). Chẳng may đụng mặt, các đấng mày râu coi “ra ngõ gặp gái” là điềm báo trước “vận đen”, xui rủi trong công việc làm ăn. Quan niệm này ăn sâu đến nỗi, chính những người nữ cũng “tự kỳ thị” mình và gọi đó là… máu dơ.

Dòng máu lưu thông trong hệ tuần hoàn của chúng ta, duy trì sức sống cho cơ thể như dòng nhựa nuôi dưỡng cây. Chả thế mà các bạn tuổi teen vẫn nói “rất máu” để chỉ trạng thái sống động, nhiệt tình, khí thế và “khô máu” để chỉ tình trạng xìu xìu ển ển, mất sức sống. Máu thật quý, đến nỗi dân gian gọi những người ruột thịt là “cùng dòng máu”, so sánh “một giọt máu đào còn hơn ao nước lã”.

Người nữ có kỳ kinh hàng tháng là do bong niêm mạc lót bên trong tử cung khi có sự thay đổi của nội tiết tố nữ theo chu kỳ, chứng tỏ có khả năng làm mẹ. Đây là điều rất bình thường và quen thuộc, giống như việc mọc mụn trứng cá hay mọc râu ở nam giới vậy, cháu à. Những “ngày ấy” diễn ra chừng ba-năm ngày, nữ giới hơi mệt mỏi vì bị mất khoảng 20ml đến 100ml máu; đau lưng, đau bụng, phải bớt xén thời giờ làm việc nghỉ ngơi trong ngày cho việc tăng cường vệ sinh và “thắt chặt an ninh quanh khu vực”, tâm trạng đôi khi căng thẳng, cáu gắt, buồn ngủ.

Hiểu được như thế, người con trai sẽ thông cảm và quan tâm hơn đến mẹ, chị em gái, bạn gái của mình. Nếu ra tay giúp đỡ khi ai đó bị chảy máu cam, dán giùm cái băng cá nhân khi bạn mình té trầy đầu gối, chạy đi mua bông gòn băng keo khi có người đứt tay, đưa người bị nạn đi bệnh viện… được coi là hành động nghĩa hiệp, thì tại sao mua giùm băng vệ sinh phụ nữ lại bị coi là “bệnh” và “xấu mặt đàn ông”? Điều tế nhị ở đây là tránh không “lập thành tích” một cách lộ liễu. Cần tinh ý quan sát để nhận ra vài dấu hiệu lúng túng của phe kẹp tóc trong những ngày ấy để giúp đỡ những việc khiêng vác, lao động, leo lầu; nhường bạn dùng nhà vệ sinh trước; cho bạn đi quá giang về khi gặp “sự cố”…

Sau này, các cháu đừng tỏ thái độ ghê, cho đó là “mất vệ sinh” khi người yêu hoặc vợ “đến tháng”. Nếu được xăm mình đi mua giùm “đôi cánh thấm hút ba chiều” (phải tin hoặc thân lắm hoặc cực chẳng đã thì “người ta” mới dám nhờ), cháu nên nhắc người bán hàng gói lại trong bịch xốp màu đen hoặc quấn trong giấy báo (giữ kín không phải tại nó bẩn mà vì liên quan đến vùng riêng tư của người nữ). Máu từ lỗ mũi, từ chỗ cắt trên da thịt hay từ “chỗ ấy” chảy ra đều là từ một vết thương hở của người mà ta rất thương yêu.

 Bác sĩ

HOA TIÊU

www.phunuonline.com.vn

máu dơ, kinh nguyệt


© 2021 FAP
  873,679       1/823