Khi con đã lớn

Thế hệ Y khiếm khuyết kỹ năng mềm

PN - Một ngày, nhà báo Kate Jenkins (Anh) bất ngờ nhận được email của Jane, con gái một người bạn. Cô gái trẻ này nhờ Kate tìm giúp một chân tập sự trong tòa soạn.

Tại một doanh nghiệp nhỏ, chỉ với mẩu quảng cáo khiêm tốn tìm một vị trí thấp, đã nhận được hàng trăm hồ sơ. Nhưng, họ sớm thất vọng vì hầu hết cử nhân mới ra trường hạng cao lại viết sai chính tả, hoặc sao chép lộ liễu từ những mẫu đơn xin việc sẵn có. Cuối cùng, họ phải nhờ Sara, con gái 17 tuổi của chị lao công trong văn phòng. Sara đến từ nước nghèo Zimbabwe hai năm trước, vốn tiếng Anh ít ỏi. Tuy nhiên, sự duyên dáng, lịch thiệp của Sara đã làm khách hàng hài lòng, cũng như sự hòa đồng làm mọi người yêu mến cô. Sara được chọn làm việc chính thức.

Các nhà xã hội học giải thích, điều tạo ra sự khác biệt giữa Sara và Jane chính là những kỹ năng mềm như đúng giờ, linh hoạt, giao tiếp tốt và hợp tác tốt với đồng nghiệp. Kỹ năng này rất khó xác định, trong khi các chủ doanh nghiệp ngày càng cần khi tuyển dụng nhân viên, thay vì chỉ nhìn vào kết quả của những kỳ thi hay bằng cấp.

Trong khi 737.000 người trẻ, tức gần 17% dân số Anh ở độ tuổi 16-24 thất nghiệp, thì 54% doanh nghiệp lại than phiền họ không thể kiếm được người thích hợp. Các nhà xã hội học lý giải thế hệ Y thiếu hẳn kỹ năng mềm để giao tiếp, hòa nhập, để tự tin và biết kiềm chế. Lớp trẻ có thể thông thạo nhiều thứ tiếng và tính nhẩm rất nhanh, nhưng họ quên rằng, điều này đã có máy móc thay thế, thậm chí chúng làm tốt hơn. Nhà xã hội học Richard Florida cho biết: “Sự phát triển kinh tế không phải nhờ vào kỹ thuật. Điều làm con người độc đáo, khác biệt chính là sự sáng tạo”.

Các nhà kinh tế dự đoán, tương lai gần nguồn nhân lực sẽ chia thành hai lối rẽ riêng biệt: một số là những người rất thành thạo kỹ thuật và nguồn thứ hai là những người có uy tín, sáng tạo mà sự lịch thiệp của họ làm nhiều người thích hợp tác. Đó là những kỹ năng mà máy tính chưa thể   thay thế.

Sheryl Sandberg thành công, một phần nhờ kỹ năng mềm là hòa đồng với mọi người - Ảnh: Telegraph

Việc Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Facebook thăng tiến như “tên bắn” là ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng mềm. “Cô ấy trẻ, rất giỏi, xinh đẹp, nhưng nổi bật hơn cả là cô ấy hòa đồng với mọi người” - sếp đầu tiên của cô, nhà kinh tế học Lant Pritchett    tiết lộ.

Theo giám đốc Jimmy Beale, công ty tư vấn và huấn luyện các nghi thức xã giao “The English Manners”, nhu cầu đào tạo đến từ các thị trường kinh tế đang nổi lên như Ấn Độ, Trung Quốc ngày càng cao. “Người trẻ tại các nước này sở hữu rất nhiều bằng cấp, nhưng để cạnh tranh toàn cầu, họ cần thêm kỹ năng giao tiếp. Trước đây, những kỹ năng này thường được giáo dục trong gia đình, như trẻ em được nhắc nhở nói lời cảm ơn, xin lỗi. Hiện nay, chúng ta có quá ít thời gian dành cho gia đình, và từng thế hệ trôi qua, chúng đã bị xem nhẹ”.

Một bài viết trên tờ Harvard Business Review than thở, phần đông thế hệ Y gắn tai nghe để bắt kịp... mạng xã hội, trong khi làm ngơ hoạt động khác của văn phòng. “Các mối quan hệ công việc được xây dựng không phải qua email hay mạng xã hội, bạn cần ra ngoài và gặp gỡ”. “Có 50 đến 70% giao tiếp được thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể, vì thế, nếu chỉ giao tiếp trên mạng xã hội, bạn không thể xây dựng mối quan hệ khách hàng cụ thể”, Julia Hobsbawn, giáo sư của trường kinh tế Cass đồng tình.

Thế hệ Y cần nhiều hỗ trợ để nâng cao kỹ năng mềm, bên cạnh đó, thế hệ X cần hòa hợp với họ. Jimmy Beale giải thích: “Điều này không có nghĩa thế hệ trẻ hoàn toàn vô dụng. Sự thiếu thông cảm giữa hai thế hệ tạo ra sự cách biệt. Các giá trị của thế hệ này chưa chắc hơn hẳn thế hệ khác. Đôi bên cần nỗ lực để tìm tiếng nói chung”.

PHAN QUỲNH DAO

(Theo Telegraph)

Kỹ năng mềm hình thành từ sinh hoạt gia đình

 Đề tài nghiên cứu cấp Bộ của PGS-TS Huỳnh Văn Sơn “Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ở các trường sư phạm” đã chứng minh: “những sinh viên có hiểu biết về kỹ năng mềm thì kết quả học tập tốt hơn và tỷ lệ có được việc làm khi ra trường cũng cao hơn”.

Kỹ năng mềm ngày càng thể hiện rõ vai trò, đặc biệt là với giới trẻ ở các đô thị, thành phố lớn. Các đơn vị dạy về kỹ năng ồ ạt ra đời. Vậy tại sao, khi đi làm, giới trẻ vẫn bị đánh giá thiếu kỹ năng mềm và không biết cách làm việc?

Kỹ năng mềm, không phải cần mới “luyện” mà phải xem như yếu tố để dạy cho trẻ trong tiến trình hình thành năng lực và sự trưởng thành của trẻ. Thay vì thăm hỏi người thân, cùng chơi và trải nghiệm cuộc sống với con thì ta lại “úm” trẻ trong bốn bức tường, cung cấp mọi thứ như internet, smartphone, và biến chúng thành “gà công nghiệp” vì lý do “không có thời gian” của chính chúng ta. Trách thế hệ Y một thì lỗi giáo dục từ thế hệ X đến mười, đến trăm lần.

Kỹ năng còn được hình thành từ sinh hoạt trong gia đình như tự sắp xếp vật dụng, phòng ở, thời gian biểu học tập; đi thưa về trình... Nhỏ thôi nhưng chính những điều căn bản này hình thành kỹ năng giao tiếp, sự hợp tác, kỷ luật, quản lý thời gian, lập trường cho trẻ trong sự trưởng thành về sau.

NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH
(Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt)

Bạn là ai trong bốn loại người ở công ty?

 Có lần tôi đọc được trên áo thun của một bạn trẻ: “Tôi thích tất cả mọi người. Có người tôi thích được ở gần. Có người tôi thích làm việc chung.

Có người tôi thích tránh xa. Có người tôi thích cho một cú đấm vào mặt”. Là một câu nói vui nhưng lại là sự thật. Mỗi người chúng ta thường thấy có đủ bốn loại người trên trong công ty của mình. Cái gì làm nên sự khác nhau ấy? Cái gì làm một người luôn luôn nhận được sự hỗ trợ của người khác, trong khi có người chỉ nhận được sự oán ghét và xa lánh? Cái gì làm nên sự thành công của một người, từ đó dẫn đến sự thành công của công ty họ đang làm việc?

Chị Thu Sơn, Giám đốc Công ty PeopleLink, chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự cho ngành bán lẻ, nhận xét: “Đấy chính là điều nhà trường không cung cấp đầy đủ cho học sinh, kể cả sinh viên đại học. Đó là kỹ năng làm việc, cách làm việc theo nhóm, kỹ năng đàm phán, cách thuyết trình, cách giao tiếp ứng xử… Thiếu điều này, nhiều sinh viên mới ra trường rất khó xin việc”.

Những người đã làm việc ở các công ty đa quốc gia thường nghe công thức về một người mà công ty nào cũng săn tìm: KASH (viết tắt của Knowledge, Attitude, Skills, Habit; tức là kiến thức, thái độ, kỹ năng, và thói quen). Theo anh Tom Guerin, người Mỹ đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam, giám đốc công ty quảng cáo nổi tiếng TBWA, “Trong bốn yếu tố ấy, theo tôi thái độ (Attitude) là cái người Việt đang thiếu”. Thái độ làm việc và cách ứng xử nơi công sở chính là một phần quan trọng của các kỹ năng mềm mà chúng ta phải đưa vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ.

ĐẶNG THỊ NGỌC DIỄM 
(Trưởng phòng Marketing, Công ty Focus Asia)

www.phunuonline.com.vn

Thế hệ Y, Sheryl Sandberg, Jimmy Beale, Julia Hobsbawn, kỹ năng mềm


© 2021 FAP
  873,682       1/823