PN - Tết chưa hết mùng con trai đã vội vã thu dọn hành lý trở lại trường. Dẫu trước Tết, con phấn khởi thông báo được nghỉ đến rằm tháng giêng.
Mới về Tết được mấy ngày, em đã vội vàng điều chỉnh lịch sinh hoạt của con. Nào là thức dậy sớm, ngủ đúng giờ, không được uống cà phê nhiều, rượu bia là cấm tuyệt đối, đi chơi phải xin phép…Hơn thế, em còn phổ biến “nội quy” liên tục thường xuyên khiến anh cũng thấy đau đầu huống chi là con. Em dường như quên mất, đứa con trai bé bỏng ngày nào giờ đã là chàng thanh niên 20 tuổi và xa gia đình hơn hai năm. Ngay cả chuyện sắm đồ mặc Tết, em cũng dành quyền quyết định. Con không chịu đi theo mẹ là em than thở, con ngày càng ngang bướng.
Trong khi đó, anh nghĩ, con sẽ thấy xấu hổ khi chừng ấy tuổi còn bám váy mẹ, sao em không cho con tự quyết định những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Con đã trưởng thành lên rất nhiều khi đi học, về nhà đã biết xắn tay dọn dẹp nhà cửa đón Tết, phụ giúp ba mẹ việc này việc kia mà em cứ nhất nhất bắt con theo nề nếp của một học sinh tiểu học. Sáng con muốn đi uống cà phê với bạn học cũ em cũng không cho, muốn tự đi cắt tóc em cũng bắt lên xe mẹ chở đi qua tiệm quen. Trước hành động của em, con im lặng không nói nhưng anh hiểu con rất buồn…
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi sáng mồng hai Tết, cô bạn gái của con đến chơi. Theo con kể, con và cô bé ấy chỉ là bạn bình thường thôi chứ chưa phải yêu đương gì. Vậy mà, em đã vội vàng ra tiếp chuyện thay rồi còn khuyên răn đủ điều về việc không nên yêu đương sớm, con gái đến nhà con trai một mình là không nên làm cô bé từ ngơ ngác chuyển sang tức giận. Cô bé đã bảo rằng: “Cháu và Bảo là bạn, cháu chỉ đến chúc Tết gia đình, sao cô nỡ nặng lời như vậy, ba mẹ cháu không phải không biết dạy con”.
Khi cô bé về rồi, em lôi con ra sạc một trận, nào là sao lại chơi với một đứa mới nứt mắt đã cãi người lớn leo lẻo, cẩn thận mấy đứa con gái dạng này không thì nó lừa cho trắng mắt ra. Lần này, con không giữ được bình tĩnh, hét lớn lên: “Mẹ thôi đi, sao mẹ hồ đồ vậy, mẹ muốn con sống một mình không có bạn hay sao mà mẹ cứ can thiệp vào, con lớn rồi, con biết thế nào là đúng thế nào là sai. Mỗi lần về nhà, con chỉ thấy ngột ngạt bức bối chứ không hề thoải mái như mình nghĩ”. Từ ngày đó, con và em không nói với nhau một lời nào, những ngày Tết trôi qua trong ảm đạm.
Con lên xe đi rồi, em nằm khóc một mình. Anh biết, tất cả chỉ vì em thương con nhưng giờ con đã lớn, em không thể bao bọc mãi được. Em đừng thắc mắc, tại sao con đi học xa mà chỉ gọi điện về cho ba chứ không gọi cho mẹ. Bởi mỗi lần nhận điện thoại của con, em chỉ biết giảng giãi, dặn dò mà không quan tâm con đang nghĩ gì, cần gì. Nếu em mãi như vậy thì khoảng cách giữa mẹ và con ngày càng xa dần.
Làm cha làm mẹ thời buổi hiện đại đâu còn như ngày xưa nữa đâu em, dạy con bằng sự đồng cảm sẽ hiệu quả hơn bằng sự áp đặt…
HẢI LÂM
tết, con trai, áp đặt