Khi con đã lớn

Làm con khó lắm!

PN - “Muốn hiểu một cô gái, hãy nhìn mẹ cô ấy” - kinh nghiệm khá phổ biến này được TS Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhắc lại tại tọa đàm...

“Người chăn dắt”

“Dù luôn tự nhận mình là người đi trước, nhưng thực tế là mẹ lúc nào cũng... theo sau con gái”. Hải Oanh (SV năm 4, ĐH Kinh tế TP.HCM) khá ưu tư khi phải chịu sự giám sát thầm lặng của mẹ. Cô kể: “Tôi mở một tài khoản facebook, chưa đầy một tháng sau, mẹ cũng xuất hiện trên facebook. Tôi vừa chớm nở tình cảm với một người bạn, mẹ bèn mon men đến gần những người bạn chung của tụi tôi mà hỏi dò, tìm hiểu. Tôi hiểu mẹ đang làm mọi thứ để đến gần, để làm bạn cùng tôi - điều mà mẹ đã từng làm rất thành công những năm tôi còn cấp I, cấp II. Nhưng bây giờ, thật khó mở lòng khi cứ hễ quay lưng lại là phải... giật mình vì thấy “người bạn” ấy đang ở ngay phía sau mình. Nhiều khi, tôi thấy mình như một con cừu, mà mẹ là một người chăn dắt thạo việc”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến dự buổi tọa đàm, Minh Loan (21 tuổi, Q.3, TP.HCM) cũng bày tỏ sự chán chường vì sự kiểm soát của mẹ đối với chuyện tình cảm của con gái. “Lúc trước, mẹ luôn mềm mỏng gợi chuyện, mẹ còn nói mẹ không cấm yêu đương nên nếu có bạn trai con cứ dắt về. Không ngờ, đến khi em tâm sự, mẹ liền “đổi giọng”, cấm tiệt, bởi “yêu đương tuổi này chỉ mất thời gian mà chẳng được gì, mẹ cũng trải qua tuổi này rồi, mẹ biết”. Em giới thiệu bạn trai để đàng hoàng chào hỏi mẹ, mong mẹ hiểu tụi em yêu nhau nghiêm túc. Mẹ chẳng kiềm chế được, cứ dò hỏi bạn em đủ điều, còn hỏi về nghề nghiệp của người trong gia đình người ta nữa. Sau buổi gặp mặt, em vừa giận, vừa ngượng khi nghe bạn trai nói: “Anh sợ mẹ em quá!”.

Những lập luận kiểu “mẹ cũng từng trải qua tuổi đó”, “mẹ sinh ra con, mẹ còn lạ gì con” là những tối hậu thư, gạt phăng mọi lý lẽ của “những cô con gái trẻ dại”. Mọi cuộc đối thoại đều hoặc bùng nổ, hoặc “tắt nửa chừng” sau những phán truyền ấy. Luôn luôn “khái quát hóa” mọi vấn đề của con theo kiểu “biết tuốt” rồi lấy đó làm lý do chống đối, người mẹ sẽ không bao giờ biết con mình đang là ai, đang gặp vấn đề gì, đã đi đến đâu trên hành trình trưởng thành - một hành trình mà càng bơ vơ, càng dễ lạc lối.

Cách đây chưa lâu, những bà mẹ “a còng” lại một phen giật mình với câu chuyện nhiều kỳ được đăng trên một diễn đàn. Một phụ nữ có cô con gái ngoài 20, đem lòng yêu một họa sĩ có gia đình, lớn hơn cô hơn 20 tuổi. Từ bất ngờ đến bất bình, suốt thời gian dài, người mẹ kịch liệt phản đối, kèm cặp, kiểm soát con gái. Không thể giam cầm được con, bà đành chấp nhận cho con ra ngoài sau những giờ học, những buổi làm thêm.

Và những đòn roi, những lời xúc phạm đã vụt ra sau những lần cô gái mải hẹn hò, về trễ. Mẹ con như mặt trăng với mặt trời suốt mấy năm trời, đến lúc người mẹ nhận ra bi kịch tình yêu con đã chịu suốt chừng ấy thời gian, thì trong vòng tay bà chỉ còn là một cô gái đầy thương tổn, tránh né quá khứ, sợ hãi tương lai. Những ngày tháng chạy trốn đòn roi của mẹ, cô đã trải qua một lần phá thai và hàng trăm lần ẩu đả, xô xát, bị đe dọa tính mạng bởi người tình. Những lời kể, cũng là lời kêu cứu của người mẹ nhận được rất nhiều chia sẻ. Phần đông người bình luận chỉ trích người mẹ, thậm chí nhiều người còn khẳng định, nếu có được người mẹ tử tế hơn, cô gái đã không đến mức lầm lỡ như thế...

Cuộc tọa đàm: Mẹ và con gái

Áp lực kết nối

Rõ ràng, không phải chỉ người trong cuộc, mà xã hội nói chung đều kỳ vọng rất nhiều vào mối quan hệ mẹ - con gái. Bởi vậy mà trong cuộc tọa đàm, khi một khán giả nữ tâm sự về một cô em họ bế tắc trong mối quan hệ với ba mình, PGS- TS Vũ Lê Chuyên (Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân) đã hỏi: “Thế mẹ cô gái ấy đâu?”.

Phải chăng, người mẹ phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ giữa “bản sao” của mình với cha nó? Và trách nhiệm ấy càng nặng nề khi con gái đến tuổi mơ mộng, đang bắt đầu lý tưởng hóa về phái mạnh rồi nảy sinh cái nhìn khe khắt, đo đếm, phán xét mọi khuyết điểm của cha mình? Đây cũng là vấn đề hóc búa được chia sẻ khá nhiều trong cuộc tìm hiểu của chúng tôi.

Là sinh viên năm 2, ĐH KHXH-NV TP.HCM, Thu Trang ngày càng mệt mỏi vì sự can thiệp của mẹ trong mối quan hệ giữa hai cha con cô. “Lúc nào mẹ cũng sợ tôi không thương ba, tất nhiên trước đây cũng có vài việc khiến mẹ lo sợ điều ấy, nhưng tình cảm cha con tôi không hề thay đổi. Có điều, tôi không yêu ba theo cách mẹ muốn thôi”. Trang kể, khi ba về khuya, bằng mọi giá, mẹ kêu cô dậy dọn cơm cho ba ăn. Những lúc cả nhà đi xa, bà luôn sắp xếp để hai cha con đi cùng một xe. Khi Trang đi học xa, mỗi lần gọi điện về nhà, mẹ luôn nằng nặc bắt cô gọi lại vào số của ba. “Những việc ấy lẽ ra rất bình thường nếu mẹ không cố xếp đặt vì mục đích gắn kết hai cha con - vốn đang rất yêu thương nhau, khiến tôi cảm thấy rất gượng ép, phiền phức”.

Hành động “kỳ quặc” này của các bà mẹ được chị Mai (Q.Tân Bình, TP.HCM) lý giải bằng lời tâm sự: “Làm cho con gái kính trọng ba là điều khiến tôi đau đầu nhất”. Chị kể, con gái đến tuổi cập kê trong lúc ba đang vào tuổi xế chiều, thường xuyên nhậu nhẹt. Mỗi lần ba say là con gái nhăn nhó, vùng vằng. Ngược lại, hễ bạn trai của con đến nhà, trong cơn say, ba thường la mắng, chê bai. Người cha tỉnh rượu thì quên mọi cuộc cãi cọ, trở về làm người cha mẫu mực; nhưng ấn tượng ngày một chất chồng trong những lần ba say xỉn khiến con gái không thể ghi nhận. Cha con ngày càng xa cách, mọi nỗ lực “giảng hòa” của chị Mai còn khiến hai mẹ con bất hòa khi con gái buộc tội chị “mù quáng”.

Tin rằng mình là người thân thuộc, thấu hiểu cả chồng và con gái nhất, sự xa cách này khiến người mẹ hoang mang. Mặt khác, cuộc bàn luận về người cha thường nảy sinh nhiều bất đồng khi cả mẹ lẫn con gái đều thừa yêu thương lẫn nhận thức để... yêu ba theo cách của mình.

Trở thành một người phụ nữ như mẹ?

“Có lẽ tôi đã không sớm nhận thức về sự bất bình đẳng vợ chồng như thế, nếu không phải hàng ngày chứng kiến và bất bình vì sự cung phụng của mẹ đối với ba tôi. Tôi rất khó hiểu khi thấy một người quần quật nấu nướng, dọn dẹp, một người thoải mái giải quyết công việc và các mối quan hệ bên ngoài, bất chấp sự chờ đợi của người khác, đến lúc về lại ăn quấy quá rồi thản nhiên đứng dậy, đi thẳng vào phòng, mặc kệ ai dọn thì dọn. Việc mẹ cứ tìm cách để tôi phục vụ cho ba từng bữa ăn một phần là vì muốn cha con tôi gần nhau hơn, nhưng phần khác là mẹ muốn luyện cho tôi thành “vợ đảm” như mẹ”. Thu Trang tuyên bố: “Tôi vẫn sẽ hạnh phúc, hòa thuận với chồng nhưng nhất định không phải theo cách của mẹ. Phụ nữ vẫn sẽ hạnh phúc mà không phải chịu đựng nhiều như thế”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có lẽ, “trở thành một người phụ nữ như mẹ” là ước mơ mang màu sắc giới tính đầu tiên của mọi cô gái. Thế nhưng, càng trưởng thành, giấc mơ ấy sẽ càng khác đi. Và, hình ảnh của mẹ luôn là cột mốc, để họ hoặc học hỏi, theo đuổi, hoặc khước từ.

Tốt nghiệp một trường đại học quốc tế, Kim Phượng (Q.Thủ Đức, TP.HCM) lấy chồng trước khi kịp xin việc. Có con liền sau đó, cô dần rời xa những cơ hội tìm kiếm việc làm, nhanh chóng trở thành người phụ nữ của gia đình, ngày ngày vui những niềm vui chồng con, nhà cửa. Không chịu được việc con gái học hành đàng hoàng lại ở nhà nội trợ, mẹ Phượng ra sức khuyên răn, thậm chí đích thân tìm kiếm việc làm để Phượng có thể “ngẩng cao đầu mà đi ra với người ta”.

Phượng từ chối hết. Đề tài này luôn khiến hai mẹ con cãi cọ, giận dỗi; để tránh bất hòa Phượng phải tránh mặt mẹ. Cô tâm sự: “Ba mẹ tôi ly hôn. Sự đổ vỡ này ám ảnh tôi bởi chính tôi đã dự cảm được từ những tháng năm tuổi thơ không có mẹ, khi mẹ mải miết làm việc, không dành thời gian cho bố con tôi. Mẹ là một người gia trưởng. Tôi chắc thế. Và từ lúc đó tôi đã ao ước được tự tay nâng niu một gia đình của riêng mình”.

***

Nhiều người phụ nữ thừa nhận, mọi ấm ức nén chặt trong thuở thiếu thời trước hình ảnh quyền uy của mẹ đều vỡ òa trong ngày hạ sinh đứa bé đầu tiên. “Làm mẹ sẽ hiểu lòng mẹ” là câu thần chú muôn đời hóa giải bao nỗi ấm ức của những đứa con. Thế nhưng, làm con gái của mẹ, cũng chẳng bao giờ là dễ!".

 MINH TRÂM

Mẹ và con gái là mối quan hệ rất thân, nhưng đôi khi giữa hai mẹ con cũng có nhiều “niềm riêng làm sao nói hết”. Báo Phụ Nữ mong được làm chiếc cầu nối để mẹ và con gái trao đổi tâm tình với nhau. Hãy viết ra những gì mẹ muốn nói với con gái, con gái muốn thưa với mẹ để mẹ con mình luôn có nhau trên đời.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

- Trang chủ của phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
- Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn

www.phunuonline.com.vn

mẹ. con gái, làm con, đại học, giới tính, hạnh phúc


© 2021 FAP
  339,128       1/1,058