Khi con đã lớn

Câu hỏi dẫn lối con đi

PN - Con trẻ không trưởng thành nhờ những khuyến cáo hay chân lý do người lớn trao ban mà từ những thắc mắc, tò mò, trải nghiệm và tự giải mã của chúng.

Những phương pháp giáo dục con cái ở các nước rất được phụ huynh Việt Nam (VN) quan tâm, tìm cách tiếp cận, “học thêm” để làm giàu hành trang làm cha mẹ. Bên cạnh cách dạy con độc lập kiểu Mỹ, dạy tính kỷ luật kiểu Nhật, tính tự chủ kiểu Pháp… thì dạy theo cách của người Do Thái đang được phụ huynh kỳ vọng giúp con thành đạt, vượt trội.

Israel (dân tộc Do Thái chiếm đa số) là một trong những đất nước dẫn đầu về sáng chế khoa học, về tỷ lệ nhà khoa học, kỹ sư, doanh nhân. Trong hội thảo Bí quyết dạy con của người Do Thái do Phòng Tham tán thương mại Israel, Công ty Quà của bố và Công ty phát triển cổ phần Thế hệ trẻ - YDC tổ chức ngày 25/6, việc dạy con được đúc kết ngắn gọn: các thế hệ cha mẹ Do Thái luôn đặt câu hỏi với con và khuyến khích con đặt câu hỏi.

Ông Zafrir Asaf (Trưởng bộ phận Kinh tế - thương mại, Đại sứ quán Israel tại VN) cho rằng, cùng với việc phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ, hỗ trợ khi trẻ gặp thất bại, thì kích thích trí tò mò của con trẻ và song hành để trao đổi, tham vấn cho chúng là bí quyết mấu chốt để con thành công trong học tập, nghề nghiệp cũng như hạnh phúc trong cuộc sống. Câu hỏi, nhất là những câu liên quan đến đồng tiền từ người cha đã nuôi lớn Zafrir, cần thiết và tất yếu như thể cơm ăn, khí thở. Khi trở thành người cha, ông Zafrir lại áp dụng chiêu đặt câu hỏi với các con của mình.

Mỗi tuần, ông đều cho cậu con trai trạc năm tuổi 10.000 đồng sau khi đặt ra nhiều câu hỏi: tiền này con có nhận không? Con sử dụng ngay hay để dành? Con dự định sẽ làm gì?... Cái ví màu xanh dày lên sau khoảng một năm đều đặn tích lũy, cậu con quyết định đến cửa hàng để mua sắm. Cậu đi khắp cửa hàng, đặt lên bỏ xuống từng món, chọn thật kỹ và cuối cùng không che giấu được sự phấn khích trước món đồ chơi ưng ý. Ở quầy tính tiền, cậu liên tục rút ra những tờ 10.000 đồng.

Rút đến tờ thứ 10, cậu mếu xệch nhưng vẫn rút tiếp và bắt đầu khóc. Vì sao cậu không giữ được niềm phấn khích ban nãy? So với trường hợp con cái đòi đồ chơi, cha mẹ liền rút bóp đáp ứng ngay thì tâm trạng của con có gì khác nhau? Con có biết vì mua đồ chơi, số tiền của cha mẹ vơi cạn đi không? “Tại quầy tính tiền, lúc con trai khóc, vợ chồng tôi đã thảo luận nhiều điều với con, hỏi con cảm thấy thế nào, có nên chọn đồ chơi này không? Và chúng tôi không hề thờ ơ với những câu hỏi từ phía con. Bỏ ra quá nhiều tiền tích cóp trong thời gian dài, chỉ trong vòng mấy phút ở hiệu đồ chơi, con tôi đã học được giá trị của đồng tiền và hơn thế nữa” - ông Zafrir chia sẻ.

Con trẻ không trưởng thành nhờ những khuyến cáo hay chân lý do người lớn trao ban mà từ những thắc mắc, tò mò, trải nghiệm và tự giải mã của chúng. Bầu không khí rộng mở, thân thiện và ngang hàng với người lớn (cha mẹ, thầy cô…) sẽ thuận lợi cho việc tranh luận, trao đổi. Ở đó, người đặt câu hỏi an tâm rằng mình được lắng nghe, tôn trọng, không bị chụp mũ ngớ ngẩn, tầm phào. Câu hỏi dẫn lối con từ quan sát, tò mò đến nảy ý tưởng, lên kế hoạch thực hiện. Và ngay cả khi thất bại thì đặt câu hỏi là cách soi chiếu lại mình để rút kinh nghiệm, để hoàn thiện hơn khi “bày keo khác”.

Cách phản ứng của cha mẹ trước thất bại của con ảnh hưởng đến nghị lực, sự kiên tâm, trì chí, khả năng vượt nghịch cảnh của chúng. Có cha mẹ phớt lờ “thắng thua có quan trọng gì đâu”, hoặc an ủi “do đối thủ được trọng tài ưu ái”. Có cha mẹ chấp nhận kết quả ấy, sẵn sàng ôm trọn con cùng sự “chưa thành công” của con, đồng thời khơi gợi để con tự vấn. Tại sao chúng ta thua trận bóng đá, do thua kém sức lực hay phối hợp chưa tốt? Phần mềm không vận hành được do vướng mắc ở khâu nào? Rốt cuộc thì không thể trồng cây trên đá được hay do mình đã sơ suất trong khâu dẫn nước tưới cây? Chúng ta phải có những giải pháp tiết kiệm nước và tận dụng nguồn nước như thế nào với điều kiện khan hiếm mưa?

Ông Đỗ Trần Bình Minh (Giám đốc điều hành Công ty YDC) đã dành một tháng trời sang Israel tìm hiểu phương pháp giáo dục của người Do Thái. Ông tâm đắc, khi trẻ và người lớn tranh luận không phải để quy tội hay tranh phần thắng mà để tìm ra cách tốt nhất.

Bác sĩ Jonathan Halevy (Phòng khám Family Medical Practice, Q.1, TP.HCM) có trên 10 năm làm việc tại VN, từng đi nói chuyện nhiều chuyên đề nhạy cảm như giới tính, tình dục, phòng tránh thai cho trẻ vị thành niên. Ông từng sốc khi bác sĩ trình bày xong mà chẳng thấy các em hỏi gì.

Thông tin tỷ lệ quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai cao ở VN cao là lời đáp đau lòng cho câu hỏi của ông: “Do các em ngại hỏi hay đã đủ hiểu biết?”. Theo bác sĩ, văn hóa hỏi - đáp nên được phụ huynh VN coi trọng để khai thông kênh dẫn truyền kiến thức và công cụ, giúp trẻ tự tin, vững vàng. Càng trao đổi hai chiều thì mối quan hệ gia đình càng được thắt chặt, gắn bó.

 TÔ DIỆU HIỀN

www.phunuonline.com.vn

câu hỏi, con trẻ trưởng thành, quan hệ tình dục, nguồn nước


© 2021 FAP
  297,584       1/346