Giáo dục

Thầy cô giáo 'lương' vài trăm nghìn đồng ở Sài Gòn

Thù lao chỉ đủ đổ xăng đi lại và mua bánh kẹo cho học trò, song gần chục năm nay nhiều thầy cô ở Trung tâm học tập cộng đồng Thạnh Lộc vẫn miệt mài đứng lớp.

Lọt thỏm trong khu phố ở ngoại thành Sài Gòn, dãy lớp học của Trung tâm học tập cộng đồng Thạnh Lộc (quận 12) ê a tiếng đánh vần của đám trẻ giữa buổi trưa oi bức cuối năm. Thỉnh thoảng ngó các học trò lớp 1 do mình chủ nhiệm, chị Huỳnh Thị Phương Chi (39 tuổi) tranh thủ kiểm tra vở tập viết của chúng.

Gọi là lớp nhưng chỉ có 5 học sinh, các em khác đã lần lượt bỏ học từ đầu năm. "Các em là con công nhân, người lao động nghèo ở phường, ba mẹ không có điều kiện cho đi học chính quy nên gửi vào đây cho trung tâm", chị Chi cho biết.

Thanh Thanh (9 tuổi) được cô giáo khen viết chữ đẹp và đánh vần giỏi nhất, còn Kim Anh (7 tuổi) được khen có tiến bộ nhưng phải cố gắng nhiều hơn. Dứt lời nhận xét, cô giáo cầm tay Kim Anh nắn cho cô bé viết chữ ngay ngắn và dặn học trò "ngồi thẳng lưng để không bị cong vẹo cột sống".

thay-co-giao-luong-vai-tram-nghin-o-sai-gon

Cô Chi dạy học trò viết chữ. Ảnh: Mạnh Tùng

Gần 20 năm trươc, chị Chi tốt nghiệp Đại học Ngân hàng ngành Kế toán, đi làm được vài tháng thì bị tai nạn giao thông. Sức khỏe yếu, chị không thể đi làm nên ở nhà phụ việc gia đình. Năm 2007, chị được giới thiệu vào trung tâm dạy học như một tình nguyện viên không lương, không phụ cấp và gắn bó với trung tâm tới nay.

Chị kể, mấy tháng đầu không quen việc nên hơi nản chí, song tình cảm của lũ trẻ đã níu chân cô giáo tay ngang này. "Hồi còn đi học tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, thương yêu của thầy cô, còn gia đình lúc nào cũng ở sau lưng giúp đỡ. Tôi muốn san sẻ tình thương mình nhận được với những học trò nghèo", chị cười hiền.

Đi dạy được vài năm, chị Chi bắt đầu nhận được những khoản tiền thù lao dựa trên số tiết học và số học sinh. Đến nay, mỗi tháng chị nhận được 700.000 đồng.

"Ngay từ đầu tôi đã xác định dạy học không lương và xem đó như niềm vui. Nay nhận được số tiền công này, tôi cảm thấy vui vui. Tôi dành số tiền này để đi lại dạy học trò và mua kẹo thưởng tụi nhỏ khi học giỏi", cô giáo tâm sự.

thay-co-giao-luong-vai-tram-nghin-o-sai-gon-1

Học trò nghèo ở Trung tâm học tập cộng đồng Thạnh Lộc. Ảnh: Mạnh Tùng

Khác với cô giáo Chi, bà giáo Nguyễn Thị Hằng (60 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) vốn là cán bộ công ty Nhà nước, nghỉ hưu gần chục năm nên xin vào trung tâm dạy và được giao phụ trách lớp 2 và 3. Mỗi tuần bốn buổi bà bắt hai chuyến xe buýt từ nhà lên lớp. Thỉnh thoảng có người cho chục ổ bánh mì, bà lại mang lên cho bọn trẻ.

"Mấy đứa trẻ nghèo không có tiền ăn sáng, cô giáo cho bánh mì thì tụi nó chấm với nước tương ăn lót dạ, thương lắm. Cha mẹ chúng đi làm tối ngày, ít thời gian quan tâm đến việc học của con cái. Tụi nhỏ nghèo nhưng sống tình cảm lắm, rất thương cô giáo và thương bạn", bà giáo nói rồi khoe xấp thiệp hôm 20/11 học trò viết bằng bút chì lên giấy trắng tặng mình.

Ở Trung tâm học tập cộng đồng Thạnh Lộc, ngoài cô Hằng, cô Chi còn có cô Thảo, Mariam... hằng ngày vẫn lên lớp dạy học với mức thù lao chỉ đủ tiền xăng xe.

thay-co-giao-luong-vai-tram-nghin-o-sai-gon-2

Thầy Nguyễn Thanh Hải (75 tuổi) vẫn miệt mài với công việc dạy học ở trung tâm. Ảnh: Mạnh Tùng

Ở tuổi 75, Phó giám đốc trung tâm - ông giáo Nguyễn Thanh Hải - vẫn ngày ngày công việc "chiến đấu với giặc dốt", theo cách nói của ông.

Là hiệu trưởng trường tiểu học nghỉ hưu, thầy Hải về phụ trách trung tâm từ những ngày đầu thành lập. Với mức lương hưu hiện có và sự phụng dưỡng của con cái khá đầy đủ nhưng ông giáo vẫn duy trì cuộc sống kham khổ: dạy học, quản lý, ăn ở và thậm chí kiêm luôn việc lao công ở trung tâm.

Tay đảo vội chảo bánh bột chiên là bữa ăn trưa và ăn tối trong góc bếp, ông nói vọng ra nhắc nhở đám học trò đang nô nghịch giữa sân trung tâm. Ông giáo ăn chay trường, trong căn phòng nhỏ luôn trữ sẵn thuốc cho lũ trẻ nếu bị đau bụng, nhức đầu.

Với chiếc xe đạp cũ, hằng ngày ông lên các cơ quan, đơn vị để vận động quyên góp sách vở, quần áo và thực phẩm cho học trò. Thời gian còn lại, ông vẫn đứng lớp. "Nhìn thấy học trò được cầm sách, học chữ chứ không phải lêu lổng ngoài đường nhiễm thói hư tật xấu là tôi mừng lắm. Tôi sẽ gắn bó với công việc này đến khi nào mình không còn sức nữa", ông bộc bạch.

Hiện, trung tâm thiếu thốn đủ thứ nhưng là nơi học của hơn 180 học sinh từ lớp 1 đến lớp 11. Nhiều thế hệ học trò đã thoát mù chữ, được học các trường nghề, cao đẳng để có công ăn việc làm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (ngụ quận 12) có con theo học ở Trung tâm Thạnh Lộc xuýt xoa kể, nhờ có những người thầy ở đây mà con mình biết đọc viết thuần thục và rất ngoan. "Cháu học ở trung tâm được ba năm rồi, nhiều lúc muốn chuyển vô trường công nó nằng nặc không chịu vì nói rất nhớ thầy Hải, cô Chi", chị Nga kể.

Mạnh Tùng

VNExpress

Nhà giáo Việt Nam, học trò nghèo ở Sài Gòn, thầy cô giáo không lương


© 2021 FAP
  564,864       9/678