Sức khỏe

7 loại ung thư phổ biến ở phụ nữ

Ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, đại - trực tràng, phổi và da là các bệnh ung thư phụ nữ thường mắc phải.

Ung thư vú

Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trung niên. Phát hiện ung thư vú khi các tế bào gây bệnh chưa phát triển sẽ dễ điều trị, giúp giảm tỷ lệ tử vong. Có một số yếu tố tăng khả năng mắc bệnh như lớn tuổi, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư vú, sinh con muộn, uống nhiều rượu...

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ.

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. 

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú ở mức trung bình (người không có các yếu tố tăng khả năng mắc bệnh kể trên) nên có biện pháp tầm soát:

Phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi nên sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng cách chụp quang tuyến vú.

Phụ nữ từ 45 đến 54 tuổi nên chụp quang tuyến vú hàng năm.

Phụ nữ từ 55 tuổi có thể chuyển sang chụp quang tuyến vú 2 năm một lần hoặc tiếp tục giữ nguyên chu kỳ sàng lọc một năm như trước đây.

Tất cả phụ nữ nên tìm hiểu về chụp quang tuyến vú để biết được xét nghiệm này có thể và không thể làm gì, cũng như thường xuyên quan sát ngực, ghi nhớ tình trạng ngực bình thường của bản thân để thông báo cho các bác sĩ về triệu chứng, phát hiện bệnh sớm và nhận điều trị kịp thời.

Những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú cao do yếu tố di truyền, gia đình từng có người mắc bệnh nên kiểm tra bằng MRI (chụp cộng hưởng từ) kết hợp với chụp quang tuyến vú và giải thích với bác sĩ về tình huống của mình để có kế hoạch sàng lọc phù hợp, hiệu quả nhất.

Ung thư đại - trực tràng

Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh như béo phì, ít vận động thể chất, chế độ ăn không lành mạnh (nhiều thịt đỏ, chế biến kỹ), hút thuốc, sử dụng rượu nặng thường xuyên, lớn tuổi, bản thân, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư đại - trực tràng hoặc polyp.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên cả đàn ông và phụ nữ nên bắt đầu sàng lọc thường xuyên ở tuổi 45 và duy trì liên tục tới năm 75 tuổi. Sàng lọc ung thư đại - trực tràng thường xuyên là cách tốt nhất để chống lại căn bệnh này. Hầu hết các bệnh ung thư đại - trực tràng thường bắt đầu bằng polyp, một sự tăng trưởng nhỏ có hình dáng giống khối u ở niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng. Việc sàng lọc giúp phát hiện ung thư sớm khi chúng còn nhỏ, chưa lan rộng sẽ dễ điều trị hơn. Một số sàng lọc còn có thể ngăn chặn ung thư bởi phát hiện polyp sớm trước khi nó chuyển sang ác tính. 

Đối với những người từ 76 đến 85 tuổi, việc thực hiện phương pháp này tùy thuộc vào mong muốn, tuổi thọ, tình trạng sức khỏe tổng thể và lịch sử sàng lọc trước đó. Còn những người trên 85 không được sàng lọc ung thư đại - trực tràng.

Những người có tỷ lệ khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường (có yếu tố tăng nguy cơ bệnh) cần sàng lọc sớm hơn, trước 45 tuổi, và kiểm tra thường xuyên bằng các phương pháp khác.

Một vài xét nghiệm dựa trên phân cần thực hiện định kỳ như sau: xét nghiệm hóa miễn dịch phân có độ nhạy cao (FIT) - một năm một lần, xét nghiệm Guaiac tìm máu ẩn trong phân (gFOBT) - một năm một lần, xét nghiệm DNA phân đa mục tiêu (MT-sDNA) 3 năm một lần.

Tổ chức này cũng khuyên nên khám trực quan đại - trực tràng bằng cách nội soi 10 năm một lần, chụp cắt lớp CT và soi đại tràng sigma linh hoạt 5 năm một lần. Nếu phát hiện tình trạng bất thường bằng bất kỳ xét nghiệm nào khác, người bệnh vẫn cần được theo dõi bằng nội soi.

Ung thư nội mạc tử cung

Căn bệnh ung thư này xảy ở lớp lót của tử cung, nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi phụ nữ nhiều tuổi. Những tác động ảnh hưởng tới mức độ hoóc môn như dùng estrogen mà không có progesterone hay tamoxifen trong điều trị, ngăn ngừa ung thư vú có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung. Những người bắt đầu có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, vô sinh hoặc không có con, bản thân hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư đại - trực tràng không do polyp (hay còn gọi là Lynch) hoặc hội chứng buồng trứng đa nang, từng mắc ung thư vú, buồng trứng hay béo phì... cũng có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn người bình thường.

xảy ở lớp lót của tử cung, nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi phụ nữ già đi

Ung thư nội mạc tử cung xảy ở lớp lót và phụ nữ trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 

Không có xét nghiệm lâm sàng hay phương pháp kiểm tra nào phát hiện sớm ung thư nội mạc tử cung. Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết các bác sĩ cần thông báo về những rủi ro về bệnh này cho phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh và mỗi người đều cần nhanh chóng báo cáo nếu gặp tình trạng dịch bất thường, chảy máu âm đạo.

Với những người có nguy cơ mắc bệnh cao do hội chứng Lynch, tổ chức này khuyến cáo nên được làm xét nghiệm và sinh thiết nội mạc tử cung hàng năm. Ngoài ra, xét nghiệm phết tế bào là phương pháp phát hiện ung thư cổ tử cung nhưng đôi khi cũng có thể giúp phát hiện ung thư nội mạc tế bào.

Ung thư cổ tử cung

Nhiễm trùng mãn tính do papillomavirus ở người (HPV) là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư cổ tử cung. Các yếu tố tăng nguy cơ khác bao gồm hút thuốc, hệ thống miễn dịch yếu, nhiễm chlamydia, thừa cân, tiếp xúc hoặc thực hiện một số phương pháp điều trị bằng hoóc môn và không được xét nghiệm phết tế bào thường xuyên.

Ung thư cổ tử cung có thể phòng tránh bằng việc không hút thuốc, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tiêm vắc xin ngừa HPV. Các xét nghiệm phết tế bào có thể tìm ra sự thay đổi bất thường ở cổ tử cung và điều trị kịp thời trước khi chúng chuyển sang ung thư.

Hiệp hội Ung thư Mỹ lưu ý một số điều sau đây:

Xét nghiệm ung thư cổ tử cung nên bắt đầu ở tuổi 21. Phụ nữ dưới 21 tuổi không nên thực hiện.

Phụ nữ độ tuổi 21-29 nên xét nghiệm phết tế bào (Pap) 3 năm một lần và không nên thực hiện xét nghiệm HPV trừ khi phát hiện dấu hiệu bất thường sau xét nghiệm Pap.

Phụ nữ độ tuổi 30-65 nên thực hiện cả hai xét nghiệm trên, được gọi là thử nghiệm đồng thử nghiệm, 5 năm một lần nhưng vẫn cần xét nghiệm Pap đơn lẻ 3 năm một lần.

Phụ nữ trên 65, nếu tất cả các kiểm tra ở độ tuổi trước đó không có dấu hiệu bất thường thì không nên xét nghiệm ung thư cổ tử cung.

Với những người đã cắt bỏ hoàn toàn tử cung vì lý do không liên quan đến ung thư cổ tử cung hoặc không có tiền sử mắc bệnh này thì không nên kiểm tra.

Những người đã tiêm vắc xin ngừa HPVcũng cần tuân thủ theo khuyến nghị sàng lọc với mỗi độ tuổi.

Ung thư phổi

Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi là do người bệnh tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại và các hạt khác trong không khí, điển hình là bụi. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi nhưng không phải tất cả các bệnh nhân mắc bệnh này đều là từng sử dụng thuốc lá trước đó.

Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi là hút thuốc.

Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi là hút thuốc. 

Không phải tất cả các loại bệnh ung thư phổi đều có thể ngăn ngừa nhưng có thể giảm rủi ro bằng cách không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc.

Hiệp hội Ung thư Mỹ cũng khuyến cáo những người ở độ tuổi 55 - 74, có sức khỏe tốt và đang hay từng hút thuốc cần tầm soát ung thư phổi hoặc chụpCT liều thấp hàng năm.

Ung thư da

Bất cứ ai cũng có thể bị ung thư da nhưng những người có làn da trắng sẽ dễ bị ung thư da hơn những người có làn da tối màu. Hầu hết các bệnh ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy là do tiếp xúc nhiều và không được bảo vệ trước tia cực tím (UV) tự nhiên từ ánh sáng mặt trời và nhân tạo từ giường tắm nắng. Ung thư da bởi khối u ác tính ít phổ biến hơn một số loại ung thư da khác nhưng lại nguy hiểm hơn vì có khả năng phát triển và lan rộng.

Các hiệu quả nhất để phòng tránh ung thư da là bảo vệ da khỏi tia UV. Khi hoạt động ngoài trời, đặc biệt là vào thời điểm giữa ngày, cần che chắn da với quần áo, mũ, kính râm và kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 30, không sử dụng giường tắm nắng.

Ngoài ra, cần chú ý tới nốt ruồi, bớt và các dấu vết trên da khác, nếu có dấu hiệu bất thường, gặp bác sĩ ngay lập tức và thực hiện các xét nghiệm phát hiện ung thư.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng xảy ra ở mọi lứa tuổi và phổ biến ở phụ nữ trung niên. Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: phụ nữ không có con hoặc có con đầu lòng sau tuổi 35, sử dụng estrogen làm biện pháp thay thế hoóc môn, bản thân hoặc gia đình từng mắc hội chứng Lynch. Tuy nhiên, những người không nằm trong các đối tượng trên vẫn có thể mắc ung thư.

Hiện tại, chưa có xét nghiệm sàng lọc với phụ nữ không có nguy cơ mắc bệnh cao, xét nghiệm Pap cũng không phát hiện được căn bệnh này nhưng khám phụ khoa định kỳ là điều cần thiết.

Ung thư buồng trứng có một số triệu chứng sau đây:trướng bụng nhưng cơ thể gầy đi, đầy hơi, chán ăn, đau bụng và vùng chậu, buồn đi tiểu liên tục....

Có các biện pháp giảm nguy cơ ung thư sau: xây dựng chế độ ăn lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, tránh xa thuốc lá, rượu bia, bảo vệ da khỏi UV, tìm hiểu tiền sử bệnh của gia đình...

Nhật Lệ (Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ)

VNExpress

ung thư vú, ung thư phổi, ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung


© 2021 FAP
  2,338,526       2/264