Nói lý lẽ nhưng không thô tục, không dùng tay chân, không nhắc quá khứ… là những nguyên tắc vàng cần nhớ để không 'xé to' vấn đề.
Tranh luận, xung đột, cãi vã là những điều bình thường xảy ra trong cuộc sống lứa đôi, tựa như “bát đũa cũng có lúc xô”. Có những cuộc tranh cãi khiến cả hai bên hiểu nhau thêm. Nhưng ngược lại, có hôn nhân bị đẩy đến "bờ vực" tan vỡ sau mỗi trận cãi vã bởi chúng phạm phải những điều tối kỵ dưới đây:
Đụng chạm đến gia đình/họ hàng đối phương
Cô ấy/anh ấy có thể im lặng “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhưng sẽ không bao giờ chịu nhịn nếu đối phương lấy người thân của họ ra để công kích. Hành động “vơ đũa” cả gia đình hoặc cả họ hàng của nửa kia chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến tranh giữa đôi bên. Thật tệ là trong nhiều trường hợp, đa phần là đàn ông, đã quên mất điều này và xem việc lôi người thân của nửa kia ra để phán xét là điều bình thường.
Cãi nhau trước chốn đông người hoặc trước mặt con trẻ
Việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai người không nên làm phiền đến người khác, tốt nhất là “đóng cửa bảo nhau”. Sự có mặt của “nhân chứng” nhiều khi sẽ khiến một trong hai cảm thấy “bẽ mặt”, “xấu hổ”, có cảm giác đối phương đang cố tình “sỉ nhục” mình trước mặt người khác.
Tương tự, mọi thứ sẽ càng tệ hại hơn nếu bố mẹ cãi nhau trước mặt con trẻ, điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý con cái, thậm chí thay đổi cả cách nhìn của đứa trẻ về cha mẹ.
Ảnh minh họa: InImages. |
Dùng từ ngữ thô tục
Khi tranh cãi, có đôi lúc cả hai bên sẽ “giận quá mất khôn” mà dùng những lời lẽ khiếm nhã để gọi hoặc nói về nhau. Hãy nhớ rằng, một lời nói giống như "bát nước đã hắt đi", không thể lấy lại được. Chỉ cần một lần bạn “mất khôn”, người kia có thể ghi nhớ cả đời. Vì thế, hãy luôn giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo để không dùng từ ngữ thô tục làm tổn thương đối phương.
Dùng vũ lực
Dùng vũ lực chỉ thể hiện sự kém cỏi của bạn trong việc thuyết phục và khiến bạn “mất điểm” thậm tệ trong mắt nửa kia. Đừng bao giờ “nói chuyện bằng tay chân” với những người mà bạn yêu quý. Nếu không, bạn sẽ khiến đối phương coi thường và không bao giờ tìm lại được sự tôn trọng tuyệt đối từ người đó.
Không để quá khứ ngủ yên
Không ít người luôn “đào xới” sai lầm trong quá khứ của người kia trong mỗi dịp cãi nhau. Hành động đó chẳng khác gì “xát muối” vào nỗi đau của đối phương. Trên thực tế, việc bới móc những sai lầm trong quá khứ của nhau điều không bao giờ được đánh giá cao. Qua việc này, nửa kia sẽ đánh giá bạn là người hẹp hòi, “thù dai nhớ lâu”, “người hay để bụng”. Hãy nhớ rằng, điều thực tế lúc này là cần giải quyết mâu thuẫn của hiện tại, chứ không phải là dịp để “ôn lại chuyện cũ”. Nếu còn bị ám ảnh bởi quá khứ, cả hai nên giải quyết dứt khoát một lần để không bao giờ nhắc lại những chuyện đó.
Tường Vi
5 điều tối kỵ khi vợ chồng cãi vã - Ngôi sao