Không làm ẩm da trước khi thoa kem tẩy tế bào chết, chà xát mạnh tay... là những nguyên nhân khiến da bị đỏ và mỏng đi.
Tẩy da chết là một phần quan trọng trong quy trình chăm sóc da. Thực hiện thường xuyên (từ 1 đến 2 lần mỗi tuần) và đúng cách sẽ giúp làm sạch lỗ chân lông, lấy đi các mảng da khô, sạm màu, từ đó khiến da trắng sáng, láng mượt. Nhưng ngược lại, nếu bạn mắc những lỗi sau, việc tẩy tế bào chết có thể làm tổn thương làn da.
1. Không sử dụng nước
Trước khi bắt đầu tẩy da chết, bạn phải rửa mặt với nước ấm. Nước đóng vai trò như một chất bôi trơn, không làm cho làn da bị đỏ, rát khi bạn chà xát mỹ phẩm lên bề mặt da. Vì vậy, bạn chỉ nên thoa kem tẩy da chết khi da mặt đã được làm ẩm.
2. Chà xát quá mạnh
Các thành phần trong kem tẩy da chết vốn đã có tác động mạnh lên da nên việc chà xát quá đà sẽ gây ra hệ quả ngược với mong muốn. Da bị mỏng đi, ửng đỏ và ảnh hưởng xấu tới lỗ chân lông. Bạn nên dùng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng từ 15-20 giây cho mỗi vùng da.
3. Tẩy da chết quá nhiều
Không nên tẩy da chết hàng ngày. Nó sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên cần thiết để giữ da mềm mại, láng mượt. Mức độ phù hợp là 2 lần/ tuần với da hỗn hợp, da thường, và 1 lần/ tuần với da khô.
4. Không thoa kem dưỡng ẩm sau khi tẩy da chết
Đây là một lỗi thường thấy mà chị em hay mắc phải. Sau khi tẩy da chết, bề mặt da sẽ bị khô đi một chút do lớp dầu tự nhiên bị mất đi. Bạn cần bổ sung dưỡng chất kịp thời bằng kem dưỡng ẩm phù hợp. Đây cũng là lúc làn da hấp thụ dưỡng chất tốt nhất nên nếu nhiều thời gian, bạn có thể đắp mặt nạ ngay sau khi tẩy tế bào chết.
5. Chỉ tẩy da chết cho mặt
Tất cả các vùng da trên cơ thể đều trải qua một quá trình khép kín: tế bào da cũ bị lão hóa, nhường chỗ cho các tế bào mới hình thành. Đừng chỉ quan tâm đến "mặt tiền" mà bỏ qua các vùng da khác như tay, chân, cổ... Đặc biệt, khu vực khuỷu tay và đầu gối càng cần tẩy da chết thường xuyên để chúng không bị đen hay chai sạn đi.
Song Giang
5 lỗi tẩy tế bào chết làm tổn thương da - Ngôi sao