Kinh tế

Lòng tin của người tiêu dùng là "bệ đỡ" lớn nhất cho hàng Việt

Nhiều năm gắn bó với chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định quá trình hội nhập khiến hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa

Nhiều năm gắn bó với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định quá trình hội nhập khiến hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Nhưng hội nhập cũng giúp doanh nghiệp Việt vươn lên, điều đó được thể hiện qua việc người tiêu dùng trong nước tin tưởng sử dụng hàng Việt nhiều hơn và xuất khẩu của Việt Nam giữ được mức tăng ổn định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, nếu hàng Việt đảm bảo chất lượng, mẫu mã đa dạng và giá cạnh tranh thì sẽ được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Đây là điểm thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt, vì thế DN có thể nắm bắt cơ hội này để củng cố và phát triển mở rộng tiêu thụ ở thị trường nội địa.

TIN TƯỞNG VÀO HÀNG VIỆT

 Hội nhập sâu khiến hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu. Để giữ và mở rộng được thị phần trong nước, theo bà DN phải làm gì?

- Hội nhập sâu luôn đi kèm cơ hội và thách thức. Vì thế theo tôi, các DN muốn đứng vững và phát triển thì buộc phải vượt qua những khó khăn, vươn lên nắm lấy những ưu thế do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Hiện nay, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ DN Việt khởi nghiệp, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn vay và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để phát triển. Để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hàng Việt phải đảm bảo 3 yếu tố chính là: chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, sử dụng tiện lợi và giá cạnh tranh. Người dân trong nước hiện đang dần hình thành thói quen ưu tiên dùng hàng Việt, DN tận dụng điểm này để củng cố hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, các DN Việt phải chú ý nhiều đến khâu quảng bá sản phẩm để người dân biết và lựa chọn. Thị trường trong nước với trên 90 triệu dân, sức mua năm sau cao hơn năm trước và nhiều mặt hàng DN Việt mới chỉ chú trọng đến xuất khẩu nên còn bỏ ngỏ thị trường nội để hàng ngoại lấn sân. Vì thế, tôi khẳng định cơ hội cho hàng Việt ở thị trường trong nước còn rất lớn.

Qua kiểm tra, tôi thấy Đồng Nai có những đổi mới, sáng tạo để cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đi vào chiều sâu giúp người tiêu dùng hiểu, tin tưởng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn. Đồng Nai là nơi có nhiều DN hàng Việt và đông công nhân lao động, nếu triển khai được nhiều điểm bán hàng Việt và mời gọi các DN cùng tham gia thì cuộc vận động sẽ tạo được sức lan tỏa tốt hơn.

 Các siêu thị, trung tâm mua sắm đều khẳng định hàng bán ra có 90-95% là hàng Việt, song phần lớn là hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia, còn hàng của các DN thuần Việt không nhiều. Về việc này, Thứ trưởng đánh giá như thế nào?

- Việt Nam đã tham gia vào hội nhập nên hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đều được gọi là hàng Việt và được đối xử như nhau, không phân biệt. Đúng là nhiều mặt hàng các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam đang chiếm số lượng lớn, nhưng hàng của các DN Việt cũng ngày một đa dạng và mở rộng. Điều này được thể hiện qua việc những năm gần đây số DN Việt thành lập mới ngày càng nhiều, số DN bị giải thể giảm dần. Phần lớn mặt hàng tiêu dùng, như: nông sản, rau củ quả, thực phẩm vẫn do DN và nông dân trong nước cung cấp. Những năm qua, không ít DN Việt đã từng bước vươn lên khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình, nên ngoài chiếm lĩnh được thị trường trong nước, còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Với chính sách ngày một mở rộng, thông thoáng, tôi tin DN Việt sẽ thành công.

 Theo lộ trình, trong các hiệp định thương mại tự do thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu đã và đang giảm dần về 0%, nhiều nông dân lo lắng nông sản, thực phẩm sẽ thua ngay sân nhà. Vấn đề này, Bộ Công thương có giải pháp gì để nông sản, thực phẩm Việt không bị thua?

- Trước khi ký kết một hiệp định thương mại tự do, Chính phủ cùng các bộ, ngành tham gia đàm phán đều đã cân nhắc kỹ những cái được và mất. Trong đó, cái chúng ta được lớn hơn nhiều, cụ thể là thu hút đầu tư nước ngoài tăng, sản xuất công nghiệp, dịch vụ được mở rộng, xuất khẩu cũng tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số lĩnh vực dễ bị “tổn thương” là chăn nuôi, trồng trọt. Theo lộ trình, nhiều loại thuế xuất nhập khẩu về 0% thì thịt heo, gà, trái cây ngoại sẽ tràn vào Việt Nam, nhưng thua thì tôi nghĩ chưa chắc. Do thuế suất cũng giảm nên chúng ta có thể hình thành các chuỗi sản xuất sạch khép kín để mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước. Hiện tại, đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen dùng thịt “nóng”, còn thịt nhập khẩu về chủ yếu là thịt “lạnh”. Do đó, ở sản phẩm thịt heo, gà thì tôi nghĩ cũng không đến mức quá lo lắng về việc “mất sân nhà”.

Mua bán hàng hóa tại siêu thị BigC Đồng Nai.
Mua bán hàng hóa tại siêu thị BigC Đồng Nai.

Nhưng để giữ được thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu thì các tỉnh, thành hỗ trợ kết nối được DN với nông dân tạo thành chuỗi sản xuất khép kín. Phía Bộ Công thương đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN Việt như yêu cầu các tỉnh, thành tổ chức những phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các điểm bán hàng Việt, chương trình Tự hào hàng Việt, Nhận diện hàng Việt, xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước... nhằm quảng bá hàng Việt, giúp DN mở rộng mạng lưới bán hàng. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tăng cường kiểm soát hàng hóa trên thị trường để kịp thời phát hiện hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng để bảo vệ các DN sản xuất chân chính.

MỞ RỘNG ĐIỂM BÁN HÀNG VIỆT

 Đã kiểm tra và làm việc tại Đồng Nai, bà đánh giá ra sao về một số chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín của tỉnh?

- Hiện một số DN Đồng Nai đã hình thành được chuỗi sản xuất heo, gà khép kín từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ đến khâu đưa ra thị trường, giá cả rất cạnh tranh nên được người tiêu dùng trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh đón nhận. Theo tôi, nếu tỉnh nhân rộng được các chuỗi này ra những vật nuôi, cây trồng khác thì chúng ta không lo mất thị trường nội địa mà còn có thể xuất khẩu.

 Bà nhìn nhận thế nào về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Đồng Nai?

- Riêng trong năm 2016, thông qua các ban, ngành, đoàn thể, Đồng Nai đã tổ chức được hàng ngàn cuộc tuyên truyền chuyên đề về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho hơn 700 ngàn lượt người dân trong tỉnh là điều rất đáng ghi nhận, không phải nơi nào cũng làm được. Đồng thời, Đồng Nai tổ chức trên 100 chuyến bán hàng Việt lưu động về nông thôn, phiên chợ công nhân giúp DN quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, người dân tiếp cận được hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá thấp.

 Vậy còn những điểm nào Đồng Nai cần khắc phục?

- Xu hướng của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải an toàn. Do đó, để hàng Việt được nhiều người tiêu dùng trong nước sử dụng thì các DN, cơ sở sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã phải đẹp, tiện sử dụng. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phải tiếp tục tuyên truyền đi vào chiều sâu, bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút người dân. Qua đó, tạo dần cho người dân có suy nghĩ dùng hàng Việt là yêu nước. Bên cạnh đó, Đồng Nai kết nối với các tỉnh, thành khác trong cả nước mở các đợt xúc tiến thương mại để giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh, mở rộng thị trường nội địa. Đồng Nai là tỉnh có số lượng DN đông và xuất khẩu lớn, nhưng nhiều DN chỉ lo xuất khẩu, chưa chú ý đến thị trường trong nước. Vì thế, tỉnh chú ý làm cầu nối cho các DN có thể cung ứng hàng hóa cho nhau để giảm nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Như vậy, sẽ giảm nhập khẩu và tăng được xuất siêu.

 Cảm ơn Thứ trưởng!

Hương Giang (thực  hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,023,069       1/1,151