Kinh tế

Đưa nấm Đồng Nai xuất ngoại

Xuất thân từ người trồng nấm, bà Tô Thị Hiền ở phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh) hiểu rất rõ nỗi khổ của nông dân khi đầu ra của sản phẩm bấp bênh.

Do đó, bà là một trong những người đầu tiên ở Đồng Nai đưa được nấm mèo xuất khẩu sang nhiều nước.

Bà Tô Thị Hiền ở phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh) giới thiệu sản phẩm nấm của mình. Ảnh: K. Minh
Bà Tô Thị Hiền ở phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh) giới thiệu sản phẩm nấm của mình. Ảnh: K. Minh

Trước đây, thị trường xuất khẩu nấm mèo của Đồng Nai chủ yếu là Trung Quốc nên giá cả không ổn định. Cũng chính vì điều này nên bà Hiền đã nảy ra ý định ngoài trồng nấm, lập thêm cơ sở mua nấm của bà con trong vùng và tìm đối tác xuất khẩu qua nhiều nước để không còn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Khởi đầu gian nan

Cách đây hơn 10 năm, bà Hiền thành lập Cơ sở sản xuất, kinh doanh nấm Quân Hiền. Những ngày đầu mới thành lập cơ sở, bà phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi liên kết để bán hàng. Nhưng nấm mèo khô tiêu thụ ở thị trường trong nước không nhiều nên hàng liên tục bị dội chợ. Qua một vài người bạn giới thiệu, bà Hiền đã đi tìm hiểu thị trường ở Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan và một số nước khác để tìm đối tác bán hàng. Chuyến đi chào hàng đầu tiên tiêu tốn của bà Hiền một khoản tiền khá lớn, song bù lại bà đã tìm được một số đối tác chấp nhận mua hàng để bán thử ở nước ngoài.

Vốn ban đầu không có, bà Hiền phải cầm cố tất cả đất đai, nhà cửa và vay mượn bạn bè để mua máy cắt, sấy và đóng gói nấm để xuất khẩu. Lô hàng đầu tiên chuyển qua một số nước bán thử rất chậm, vốn thu hồi lâu khiến bà Hiền bị thua lỗ. Thế nhưng, bà Hiền không nản mà còn nghĩ bán được hàng là tốt, dần dần khách hàng quen, tin tưởng sẽ sử dụng nhiều. Nhưng bà cũng mất một thời gian dài, nhiều lúc tưởng như trắng tay mới thành công. Bà Hiền chia sẻ: “Tôi phải mất gần 2 năm chấp nhận hàng bán ra nước ngoài chỉ huề vốn hoặc lỗ, nhưng sau đó người tiêu dùng đã quen và lựa chọn nhiều hơn. Vì thế, đơn đặt hàng đến với cơ sở của tôi ngày một tăng và giá cũng tốt dần lên”.

Mở rộng thị trường

Ít có người dám bươn chải, lăn lộn như bà Hiền. Bà một mình mang nấm qua những nước có nhiều người Việt Nam sinh sống để chào hàng. Đôi khi bà còn sẵn sàng vui vẻ chỉ dẫn cả cách chế biến nấm mèo thành các món ăn ngon, tốt cho sức khỏe để phía đối tác giới thiệu cho người tiêu dùng. Những nỗ  lực của bà Hiền đã được đáp lại bằng các đơn hàng bắt đầu đến và tăng dần. Đơn đặt hàng đã có, bà Hiền tiến hành hợp tác với các trại trồng nấm ở TX.Long Khánh và những huyện lân cận để có nguồn nấm mèo lớn đáp ứng đủ cho các đơn hàng. Nhiều hộ trồng nấm nhờ liên kết với Cơ sở sản xuất, kinh doanh nấm Quân Hiền có đầu ra, giá cả ổn định nên tập trung cho năng suất, lợi nhuận cũng cao hơn nhiều.

Để có sản phẩm đồng đều, đạt chất lượng cao, bà Hiền đã mua nấm mèo tươi của các trại về, thuê nhân công cắt gốc sạch sẽ và đưa vào máy thái sợi, sấy khô và đóng vào bao bì đủ kích cỡ theo yêu cầu của khách hàng để xuất khẩu. Theo bà Hiền thì hiện cơ sở xuất khẩu khoảng 50 tấn nấm khô/tháng sang 5 thị trường là: Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan, Campuchia và Lào. Ngoài xuất khẩu nấm mèo khô, bà Hiền cũng đang làm thêm nấm linh chi, nấm bào ngư trong tương lai có thể xuất khẩu với số lượng lớn đến những nước trên. Dù đã đưa được nấm Đồng Nai sang 5 thị trường trên, nhưng bà Hiền cho biết mình vẫn tiếp tục tìm thêm đối tác để mở rộng thị trường sang các nước khác.

Bí quyết thành công của bà Hiền là mạnh dạn tự đi tìm thị trường tiêu thụ và trong liên kết làm ăn luôn giữ chữ tín với đối tác, đồng thời dù xuất khẩu cho đối tác với số lượng nhiều hay ít, bà cũng luôn đảm bảo chất lượng. “Trong năm 2017, số lượng nấm mèo xuất khẩu không chỉ dừng ở mức 50 tấn/tháng mà có thể còn tăng thêm nhiều vì tôi đã nhận được một số đơn đặt hàng lớn” - bà Hiền nói. Đây là tin tốt cho người trồng nấm Đồng Nai, có nhiều thị trường tiêu thụ sẽ không còn phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá nấm sẽ ổn định và tốt hơn.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,023,108       3/1,153