Kinh tế

Trại heo xả thải gây ô nhiễm

Hơn 2 năm qua, khá nhiều trang trại chăn nuôi heo ở 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ được xây dựng. Theo quy định, những trang trại lớn do cấp tỉnh duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp phép.

Thế nhưng có những trại chưa làm xong hệ thống xử lý chất thải đã đi vào hoạt động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một con suối ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) nước đen đặc do trang trại chăn nuôi heo xả ra.
Một con suối ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) nước đen đặc do trang trại chăn nuôi heo xả ra.

Nhiều hộ dân bức xúc vì tình trạng một số trang trại chăn nuôi heo xả thải gây ô nhiễm các dòng suối, sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt, trồng trọt của người dân. Cây trồng tưới phải nguồn nước thải ô nhiễm từ chăn nuôi bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

* Sông, suối “lãnh đủ”

Những người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm từ các trại chăn nuôi trên cho rằng các trang trại đều được tỉnh phê duyệt ĐTM, nên đáng ra trước khi các trại đi vào hoạt động, Sở Tài nguyên- môi trường phải kiểm tra hệ thống xử lý chất thải, làm đúng theo ĐTM mới cho hoạt động thì tránh được tình trạng ô nhiễm như hiện nay. Mùa mưa 2017 sắp đến, nhiều người dân ở dọc các con suối, sông trên rất lo lắng các trang trại tiếp tục nhân dịp khi trời mưa sẽ xả thải xuống suối, sông.

Theo phản ánh của người dân 2 địa phương trên, tình trạng ô nhiễm do các trang trại nuôi heo xả thải ra các con suối rồi chảy ra sông bắt đầu từ cuối năm 2015. Từ đó đến nay người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp xã, huyện, tỉnh trong các đợt tiếp xúc cử tri với mong muốn sớm xử lý triệt để nhằm bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm. Hiện có hàng ngàn hécta cây trồng của người dân đang lấy nước từ các con suối, sông. Có những khu vực không có nước ngầm, nước máy chưa về đến nơi, người dân đang phải sử dụng nước suối, sông để sinh hoạt.

Ông Ngô Văn Cho, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cây ăn trái ấp 2 (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc), cho hay: “Khu vực này nước ngầm hiếm nên đa số người dân phải lấy nước suối để sinh hoạt và tưới cho cây ăn trái. Nhưng hơn 1 năm nay, các trại heo lớn trên địa bàn xả ra suối làm nguồn nước bị ô nhiễm, không thể dùng sinh hoạt và tưới cho cây ăn trái. Nhiều lần tôi và người dân ở đây đã báo chính quyền nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra”. Trước đây, khi các trang trại heo này chưa xuất hiện, nguồn nước suối, sông ở đây chưa từng xảy ra tình trạng ô nhiễm như vậy.

Thông tin từ UBND xã Xuân Hòa, xã có 7 trang trại chăn nuôi heo quy mô từ 3-10 ngàn con/trại và đều do tỉnh phê duyệt ĐTM. Các trang trại hầu hết xây dựng từ năm 2014 và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015. Theo quy định, các trang trại này phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, nhiều trại đi vào hoạt động trước khi xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, hoặc xây dựng không đúng quy định dẫn đến nước thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng suối Thủy lợi, suối Nóng, suối Điệp, suối Lạnh... “Từ cuối năm 2015, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tình trạng ô nhiễm do các trại xả thải. Xã cũng kết hợp với huyện nhiều lần lập biên bản về tình trạng ô nhiễm, song đến nay vẫn chưa xử lý xong. Tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm hécta cây ăn trái và rau của xã” - ông Lại Phú Quốc, cán bộ phụ trách môi trường xã Xuân Hòa, nói. Ông Trần Văn Quang (ấp  2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) tỏ ra lo lắng: “Gia đình tôi có gần 4 hécta xoài, nhãn đều phải lấy nước tưới từ suối. Song hơn 1 năm nay, suối ô nhiễm nên tôi phải đào, khoan nhiều giếng cũng không đủ nước tưới nên năng suất rất thấp”.

* Buộc ngưng chăn nuôi nếu gây ô nhiễm

Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Xuân Lộc là huyện dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục làm nông thôn mới nâng cao nên yêu cầu bảo vệ môi trường đòi hỏi gắt gao hơn. Vào tháng 10-2016, huyện đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường và UBND tỉnh giao cho huyện trực tiếp giám sát việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở các trại do tỉnh phê duyệt ĐTM, nếu đầu năm 2017 các trang trại không thực hiện đạt sẽ xử phạt hành chính. Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Xuân Lộc, huyện đang phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường kiểm tra hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi các trại do tỉnh cấp ĐTM.

Tại huyện Cẩm Mỹ có 26 trại do tỉnh duyệt ĐTM, tập trung ở 2 xã Xuân Đông, Xuân Tây. Thời gian qua, người dân liên tục phản ảnh tình trạng các trang trại xả thải ra suối, sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất là trại Lam Sơn. Huyện đã tiến hành kiểm tra 15 trại có ĐTM thì phần lớn không đầu tư hết các hạng mục xử lý chất thải theo ĐTM nên dẫn đến ô nhiễm.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức, nhiều người xây dựng trang trại để cho thuê lại và không làm đầy đủ hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi heo, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Khi đoàn đi kiểm tra, giữa người cho thuê và các công ty thuê trại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Sở Tài nguyên - môi trường sẽ mời chủ cho thuê trại và các doanh nghiệp thuê trại lên làm việc và buộc ký vào cam kết, nếu  không đảm bảo môi trường sẽ buộc ngưng chăn nuôi.

Liên quan đến vấn đề trên, vào đầu tháng 2-2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường phải phối hợp với các huyện kiểm tra lại toàn bộ các trang trại do tỉnh cấp ĐTM đã đi vào hoạt động, nếu không đảm bảo môi trường phải xử lý thật nghiêm và buộc phải khắc phục. Trường hợp các trại không thực hiện đúng theo ĐTM, tiếp tục gây ô nhiễm đóng cửa ngưng hoạt động. 

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,146,985       17/894