Từ khi Quốc hội chính thức thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần, người dân vùng dự án chộn rộn hơn ai hết.
Từ khi Quốc hội chính thức thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) thành dự án thành phần, người dân ở vùng dự án chộn rộn hơn ai hết. Giá đất nơi đây cũng “nóng” hơn.
Người dân vùng dự án xem thiết kế nhà ga sân bay Long Thành. |
UBND huyện Long Thành cũng chuẩn bị những phương án cơ bản cho việc di dời dân, lập địa giới hành chính mới.
Làm nhanh báo cáo khả thi
UBND tỉnh đang gấp rút cùng Bộ Giao thông - vận tải chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu khả thi công tác thu hồi đất, bố trí tái định cư dự án Sân bay Long Thành để kịp đến tháng 10-2017 trình Quốc hội. Theo lộ trình, khi Quốc hội thông qua báo cáo khả thi, tỉnh sẽ triển khai ngay công tác xây dựng 2 khu tái định cư để di dời dân.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu, cho hay người dân trong xã mừng vì dự án được khởi động. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, người dân theo dõi rất sát thông tin liên quan đến dự án Sân bay Long Thành. Theo UBND huyện Long Thành, địa giới hành chính ở khu vực này sẽ phải điều chỉnh lại bởi xã Suối Trầu không còn nữa.
Dự kiến, 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn sẽ được sáp nhập vào xã Lộc An, đồng thời mở rộng địa giới hành chính của xã. Chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân giải thích: “Chúng tôi đã tính toán, xã Lộc An hiện có khoảng 7,4 ngàn dân, khi sáp nhập thêm dân số xã Suối Trầu hơn 6,5 ngàn người nữa thì tổng số có khoảng 14 ngàn người, đây cũng là mức trung bình dân số các xã trên địa bàn huyện. Việc này chúng tôi đã trình UBND tỉnh và Sở Nội vụ để có đề án sáp nhập”.
Điều mà UBND huyện Long Thành còn băn khoăn là sau khi giải phóng mặt bằng, xã Suối Trầu bị xóa tên. Vậy 5 ngàn hécta sân bay sẽ thuộc địa giới hành chính nào, vì đây là diện tích đất rất lớn, thu hồi không chỉ xã Suối Trầu mà còn cả một phần ở 5 xã khác. Theo quy hoạch, Sân bay Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn gần 2 ngàn hécta, Suối Trầu trên 1.350 hécta, Cẩm Đường trên 500 hécta, Bàu Cạn gần 160, Long An gần 660 hécta và Long Phước trên 300 hécta. UBND huyện Long Thành cho biết, vấn đề này huyện đã báo cáo UBND tỉnh để xem xét xử lý và đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Giữ quy hoạch
Ông Ngô Thế Ân cho biết trong những năm qua, địa phương đã giữ ổn định quy hoạch cho diện tích sân bay và 2 khu tái định cư Bình Sơn và Lộc An - Bình Sơn. Cũng theo lãnh đạo huyện Long Thành, UBND tỉnh nên sớm có quy hoạch vùng ven sân bay để việc quản lý đất được ổn định. “Hiện nay, địa phương chưa có quy hoạch cụ thể vùng ven sân bay nên việc quản lý đất nơi đây còn khó, tình trạng sang nhượng đất ở đây thời gian vừa qua khá nóng. Có quy hoạch cụ thể, lúc đó giới thiệu cho các nhà đầu tư dễ dàng hơn” - ông Ân nói.
Theo kế hoạch của tỉnh, vùng ven sân bay sẽ quy hoạch khoảng 21 ngàn hécta đất để phát triển khu dịch vụ logistics phục vụ sân bay. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đây là sự cần thiết, bởi với một sân bay lớn như Long Thành các dịch vụ hỗ trợ đi kèm phải được tính toán đến.
TS.Trần Du Lịch (chuyên gia kinh tế) chia sẻ, Đồng Nai nên sớm có phương án xây dựng đô thị sân bay và những khu dịch vụ. Đây là việc rất cần thiết, tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết để phát triển đô thị sân bay, tỉnh cũng đã tổ chức đoàn công tác đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố sân bay Incheon tại Hàn Quốc.
Khắc Giới