Kinh tế

Nóng lòng chờ nước sạch

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng Nai, tính đến nay tỷ lệ người dân nông thôn của tỉnh sử dụng nước sạch đạt khoảng 63%.

Toàn tỉnh đã có hơn 90 công trình cấp nước sạch nông thôn.

Công trình cung cấp nước sạch tại xã Phú An, huyện Tân Phú đi vào hoạt động năm 2009, nhưng đến nay công trình đã xuống cấp, không còn hoạt động và chờ dự án nâng cấp.
Công trình cung cấp nước sạch tại xã Phú An, huyện Tân Phú đi vào hoạt động năm 2009, nhưng đến nay công trình đã xuống cấp, không còn hoạt động và chờ dự án nâng cấp.

Tuy nhiên, người dân ở nhiều khu vực, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có nước sạch để dùng.

* Mua nước bình để sinh hoạt

Phú An là xã vùng xa của huyện Tân Phú. Trong những năm vừa qua, do công trình nước sạch trước đây bị xuống cấp, hư hỏng nên người dân địa phương vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào không đảm bảo chất lượng.

Ông Đỗ Thành Huy, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết: “Công trình nước sạch của xã được đưa vào hoạt động năm 2009. Đến năm 2011 trong quá trình thi công đường 600A, một số đường ống dẫn nước bị vỡ, hư hỏng. Sau đó, hệ thống cấp nước này xuống cấp và không còn hoạt động nữa. Điều này khiến cho nhiều khu vực trên địa bàn xã như ở ấp 5, ấp 3 bị thiếu nước sạch, nhất là vào mùa khô ấp 1, ấp 2, ấp 7... vẫn chưa có đường ống nước sạch đi qua”.

Ở nhiều khu vực trong xã nguồn nước bị nhiễm phèn, người dân phải mua các thiết bị lọc nước hoặc mua nước lọc đóng chai, bình mới có nước để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt.

“Nước ở đây bị nhiễm phèn, dù đã khoan giếng tới 40-50m nhưng vẫn bị phèn. Do đó, gia đình chúng tôi phải mua nước lọc từ Giáo xứ Xuân Lâm để ăn uống; còn tắm giặt, tưới tiêu thì vẫn chấp nhận dùng nước giếng khoan. Giờ chỉ mong sao có đường nước sạch càng sớm càng tốt để người dân sử dụng” - anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 5, xã Phú An) chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Văn Tâm (ấp 2, xã Phú An) cho biết mỗi tuần gia đình ông phải mua 4 bình nước lọc loại 20 lít (mỗi bình giá 7 ngàn đồng) để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, gia đình chị Lê Thị Định (ngụ ấp 3) đã mua dàn máy lọc nước gần 6 triệu đồng để có nước sạch sử dụng.

Ông Trần Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), cho biết hiện người dân của 2 ấp vùng xa là Ngô Quyền và Lộ 25 vẫn chủ yếu sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Dù qua khảo sát, kiểm tra, nguồn nước này vẫn đạt các tiêu chí về vệ sinh nhưng người dân ở các ấp này nói riêng và các ấp còn lại nói chung mong muốn sớm có đường nước máy sạch để bà con yên tâm sử dụng.

 “Hiện nay, một số công trình cung cấp nước sạch nông thôn cũng đang xuống cấp cần được nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân địa phương, như ở các xã: Sông Trầu, Sông Thao (huyện Trảng Bom), Bình An, Bình Sơn (huyện Long Thành), Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ)…” - ông Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng Nai, nói.

* Chậm triển khai do điều chỉnh hồ sơ

Vào cuối năm 2016, UBND tỉnh có quyết định chuyển giao trách nhiệm quản lý, đầu tư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư trong đó có các dự án cấp nước sạch nông thôn đã có chủ trương, kế hoạch đầu tư.

Theo đó, hiện có 7 dự án cấp nước sạch nông thôn chuẩn bị đầu tư, gồm các hệ thống cấp nước tập trung ở xã Phú An, xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), xã Phú Lợi (huyện Định Quán), xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và dự án nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước tập trung xã Hàng Gòn
(TX.Long Khánh).

Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp - môi trường (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh), trong năm 2017 các dự án này chưa được bố trí kinh phí. Nguyên nhân là do khi tiếp nhận dự án từ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng Nai, qua rà soát, đơn vị chủ đầu tư trước đây chưa cung cấp đủ tài liệu theo các quy định hiện hành để có thể bắt tay ngay vào các bước tiếp theo, như: bố trí vốn, thi công…

Bên cạnh đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ, các dự án trên còn tồn tại những vướng mắc liên quan đến sai khác giữa hồ sơ tư vấn, thiết kế và chủ trương được duyệt nên cần phải hiệu chỉnh hồ sơ theo quy định. Trong đó, yêu cầu các đơn vị thiết kế cam kết điều chỉnh hồ sơ theo đúng chủ trương, quy định. Riêng đối với dự án cấp nước tập trung ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), đơn vị tư vấn thiết kế trước đây đã giải thể nên phải tìm đơn vị mới hoàn thành nốt phần việc tư vấn, lập hồ sơ thiết kế còn lại.

Năm 2018 sẽ khởi công 2 dự án nước sạch nông thôn

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết trong tháng 8 vừa qua, đơn vị đã có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan cùng với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng Nai để cùng phối hợp, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Riêng ở Ban Quản lý dự án đầu xây dựng tỉnh sẽ sớm hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt lại theo nguồn kinh phí được duyệt theo đề án. Trong đó, năm 2018 dự kiến khởi công các dự án cấp nước sạch nông thôn tại xã Phú An (huyện Tân Phú) và xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất). Nhu cầu vốn trong năm 2018 đối với dự án hệ thống cấp nước tập trung tại xã Phú An là 5 tỷ đồng và tại xã Bàu Hàm 2 là 9,5 tỷ đồng.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,092,942       7/942