Kinh tế

Bức tranh "sức khỏe" doanh nghiệp đã khá hơn rất nhiều

Sáng 31-1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nắm tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp năm 2017.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh, cả nước hiện còn hơn 500 doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực (năm 2001 là 60 ngành, lĩnh vực), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng - an ninh. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Theo Phó thủ tướng, bức tranh “sức khỏe” doanh nghiệp đã khá hơn rất nhiều, con số này có sự tiến bộ khá vượt bậc, khi mà năm 2012 mới chỉ khoảng 30%, năm 2017 đã có 47,3% doanh nghiệp làm ăn có lãi. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đồng đều. Một số bộ, ngành còn chậm, chưa thực sự quyết liệt đối với danh mục doanh nghiệp thoái vốn, tâm lý một số nơi quá thận trọng, sợ sai, sợ phải giải trình.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ năm 2018, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cũng như nghị quyết của Quốc hội và đề án mà Chính phủ đã phê duyệt. Tích cực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được phê duyệt; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh. 

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2018 là năm cao trào về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý I-2018 sẽ có 4 “anh cả đỏ” lên sàn chứng khoán là: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Dầu khí Việt Nam; Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong tổng số 69 tập đoàn, tổng công ty đã được cổ phần hóa năm 2017.

Kêu gọi các bộ, ngành vì lợi ích chung, Phó thủ tướng cho rằng cổ phần hóa chỉ là phương tiện, cách thức. Đích cuối cùng là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả đóng góp cho đất nước.

Chu Thanh Vân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,023,248       4/1,154