Kinh tế

Đơn giá mới bồi thường thu hồi đất sẽ cao hơn

UBND tỉnh vừa ban hành quy định mới về giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Đồng Nai. Đây là vấn đề đang được nhiều người dân rất quan tâm...

UBND tỉnh vừa ban hành quy định mới về giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai đang triển khai khoảng 1.450 dự án phải thu hồi đất nên việc bồi thường được nhiều người dân rất quan tâm.

Khu vực xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) Nhà nước sẽ thu hồi đất để thực hiện dự án. Giá bồi thường do huyện xây dựng và tỉnh phê duyệt.
Khu vực xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) Nhà nước sẽ thu hồi đất để thực hiện dự án. Giá bồi thường do huyện xây dựng và tỉnh phê duyệt.

Từ ngày 15-3-2018, quy định 08/2018/QĐ-UBND về giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất sẽ có hiệu lực. Trong đó, quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại  về nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi và một số loại tài sản khác. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành thêm quyết định về phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

* Giá mới cao hơn

Khi có dự án phải thu hồi đất hoặc nhà ở, tổ chức bồi thường cấp huyện sẽ tính toán mức bồi thường, hỗ trợ cho từng tài sản cụ thể, gửi Sở Tài chính để chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thẩm định và trình UBND tỉnh quyết định giá bồi thường, hỗ trợ với tài sản.

Trong trường hợp tổ chức bồi thường cấp huyện không tính toán được giá bồi thường, hỗ trợ, thì phối hợp với chủ dự án thuê tổ chức tư vấn có chức năng để xác định giá rồi gửi Sở Tài chính thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt.

Quy định mật độ cây trồng để bồi thường trên 1 hécta với cây tràm, bạch đàn là 5 ngàn cây, keo lai 4 ngàn cây, tràm phèn 10 ngàn cây, sao 1,1 ngàn cây, đu đủ 2-2,1 ngàn cây, cà phê, ổi 1,6 ngàn cây. Những loại cây khác như: bưởi, chôm chôm, mít, xoài 300 cây, tiêu 1,6 ngàn nọc, sầu riêng 200 cây, điều 300 cây... Tùy theo từng loại cây trồng ngoài giá bồi thường còn được cộng thêm tiền hỗ trợ khác nữa.

Theo đó, đối với nhà tạm không được xếp là nhà cấp 4, giá bồi thường tối đa là 660 ngàn đồng/m2. Giá bồi thường vật kiến trúc, tài sản có giá trị trên 80 triệu đồng sẽ do UBND tỉnh phê duyệt, còn dưới 80 triệu đồng do UBND huyện phê duyệt. Đối với cây trồng, huyện sẽ phê duyệt giá trị dưới 500 ngàn đồng/cây, còn trên 500 ngàn đồng/cây do tỉnh phê duyệt.

Quy định về giá công đào ao, hầm chứa nước khi Nhà nước thu hồi là 28,5 ngàn đồng/m2. Riêng các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành và TX.Long Khánh nếu đào ao trên đất đồi, đất gò sẽ nhân hệ số 1,5.

Các loại cây trồng đều được quy định mật độ, giá bồi thường cụ thể cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Đồng Nai (Sở Tài nguyên - môi trường), cho biết: “Giá bồi thường đất đai ở các huyện vùng sâu, vùng xa cộng các khoản hỗ trợ vào thường là cao hơn giá thị trường nên việc thu hồi đất khá thuận lợi. Nhưng tại TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, giá bồi thường người dân hay khiếu nại vì cho rằng giá thấp hơn giá thực tế đang sang nhượng”.

* Giao trách nhiệm cho cấp huyện

Theo quy định về giá bồi thường, hỗ trợ mới sắp có hiệu lực, việc định giá bồi thường, tài sản được giao cho cấp huyện, mức được phê duyệt cũng cao hơn 30 triệu đồng so với trước đây. Mục đích của tỉnh giao quyền về cho cấp huyện để chủ động thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất được thuận lợi hơn và rút ngắn được thời gian từ 3-5 tháng nhằm đẩy nhanh tiến độ cho các dự án.

Ông Trần Bá Đạt, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, nhận định: “Việc giao trực tiếp trách nhiệm cho cấp huyện trong việc tính giá bồi thường, hỗ trợ tài sản, cây trồng và tăng mức phê duyệt bồi thường của cấp huyện sẽ giúp việc bồi thường nhanh hơn, rút ngắn được nhiều thời gian. Như vậy chủ đầu tư có thể thực hiện nhanh các dự án”. Ở những huyện vùng sâu, vùng xa suất tái định cư giá từ 200-300 triệu đồng khá phù hợp, người dân ít thắc mắc.

Đồng quan điểm với ông Trần Bá Đạt, Chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân cho rằng giao thẩm quyền cho cấp huyện cao hơn trong định giá bồi thường, phê duyệt giá bồi thường sẽ rút ngắn được nhiều thời gian thực hiện các dự án. Tuy nhiên ở những khu vực bất động sản đang “sốt” khi thu hồi đất người dân hay khiếu nại vì nói giá bồi thường thấp hơn nhiều giá giao dịch.

“Tại huyện Long Thành, người dân chuyển nhượng đất  đai với giá khá cao, song khi đưa ra phòng công chứng, tính thuế thường giảm giá bán xuống rất thấp để giảm tiền thuế phải đóng. Do đó, khi cơ quan chức năng đi thẩm định giá đất để bồi thường căn cứ vào giá chuyển nhượng trên các hợp đồng nên giá bồi thường hay thấp hơn giá thực tế mua bán”- ông Ngô Thế Ân cho hay.

Đây cũng nút thắt khiến người dân hay khiếu nại là giá bồi thường không sát với giá thực tế, nhưng Nhà nước không có giá thực tế để xác định.

Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình được tính như sau: nhà, công trình thiệt hại dưới 50% thì mức bồi thường không được quá 60% giá trị xây dựng mới của căn nhà, công trình. Trường hợp nhà, công trình thiệt hại từ 50-75%, mức bồi thường không quá 82% giá trị xây mới. Căn nhà, công trình thiệt hại trên 75% mức bồi thường không quá 100% giá trị xây mới.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,999,689       2/1,803