Kinh tế

Đài Loan tăng tốc đầu tư vào Đồng Nai

Đến đầu tháng 10-2018, Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư vào tỉnh khoảng 285 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5,2 tỷ USD, xếp thứ 2 trong 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai...

iện tỉnh Đồng Nai có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp (DN) Đài Loan khi lựa chọn nơi hợp tác và đầu tư.

Các doanh nghiệp Đài Loan và Đồng Nai kết nối trong một hội nghị giao thương cung cấp sản phẩm cho nhau.
Các doanh nghiệp Đài Loan và Đồng Nai kết nối trong một hội nghị giao thương cung cấp sản phẩm cho nhau.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, những năm gần đây đầu tư của DN Đài Loan vào tỉnh có ngành nghề khá đa dạng, không còn tập trung vào lĩnh vực xơ sợi dệt, may mặc, giày dép như trước. Công nghệ sản xuất cũng được thay đổi hiện đại hơn.

* Đầu tư liên tục tăng

Mỗi năm, đầu tư của DN Đài Loan vào tỉnh đều tăng từ 100-200 triệu USD. Nguồn vốn của Đài Loan đầu tư vào tỉnh chiếm 17% trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nếu kết nối các DN trong nước và DN FDI tốt, Đồng Nai sẽ giảm nhập khẩu và tăng được xuất siêu. Các DN cũng dễ dàng có đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào hơn 10 quốc gia mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt tới đây, khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ  là thị trường xuất khẩu lớn cho DN tại Việt Nam, tuy nhiên muốn hưởng các ưu đãi phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Ông Peter Wu, Chi hội trưởng Chi hội Đài thương tại Đồng Nai cho biết: “Cách đây gần 30 năm, DN Đài Loan bắt đầu đầu tư vào Đồng Nai và phần lớn là thành công. Nhiều DN Đài Loan mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư thêm 2-3 lần so với ban đầu. Gần đây, Đài Loan có chính sách hướng Nam và Việt Nam là nước được nhiều DN xứ Đài lựa chọn. Trong đó, Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn vì có khu công nghiệp phát triển, hạ tầng giao thông thuận lợi”.

Cũng theo ông Peter Wu, tới đây sẽ có làn sóng DN Đài Loan đến Đồng Nai nhiều hơn vì ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên nhiều DN sẽ dịch chuyển về Việt Nam để hưởng các ưu đãi.

Theo ông John Chang, Giám đốc tài chính Công ty TNHH kim loại Sheng Bang ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom), công ty thành lập và đi vào hoạt động cách đây 13 năm và thời gian qua liên tục mở rộng đầu tư, tăng công suất để cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. “Công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là lĩnh vực Việt Nam đang cần, nhu cầu thị trường nội địa lớn nên còn rất nhiều cơ hội để DN mở rộng đầu tư. Gần đây, các DN Đài Loan trên lĩnh vực này đến Đồng Nai đầu tư tương đối đông, vì đây cũng là mặt hàng tỉnh đang nhập khẩu nhiều từ Đài Loan” - ông John Chang nói.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho hay: “Khoảng 3-4 năm trở lại đây, các DN Đài Loan đến tỉnh đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, máy móc thiết bị khá nhiều. Công nghệ của các DN Đài Loan khá hiện đại đáp ứng yêu cầu của tỉnh”.

* Thị trường nhập khẩu lớn

Hiện nay, Đài Loan vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu và máy móc lớn thứ 3 của Đồng Nai. Theo Sở Công thương, năm 2017 Đồng Nai xuất khẩu vào Đài Loan 330 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 1,6 tỷ USD. Trong 9 tháng của năm 2018 nhập khẩu từ Đài Loan trên 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu trên 300 triệu USD, tăng hơn 10%. Mặt hàng các DN Đồng Nai nhập khẩu nhiều từ thị trường này là: hóa chất, vải, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu.

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Đài Loan đang là thị trường nhập siêu lớn của Đồng Nai với hơn 1 tỷ USD/năm nên trong thời gian tới sẽ có nhiều DN Đài Loan đầu tư vào tỉnh trên những lĩnh vực tỉnh đang thiếu và nhập khẩu nhiều. Đồng Nai cũng đã xúc tiến thương mại cho DN trong nước với DN Đài Loan tại Đồng Nai để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau nhằm giảm nhập khẩu”.

Cũng theo ông Dũng, thời gian tới sẽ tăng kết nối cho các DN trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh để bán sản phẩm cho nhau, vì rất nhiều sản phẩm của DN này là đầu vào cho DN kia nhưng lâu nay thiếu sự kết nối tốt giữa đôi bên.

Ông Vũ Thịnh Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Korea Express Packsimex ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty sản xuất các màng, tấm nhựa xuất khẩu sang các nước. Khi biết nhiều DN tại Đồng Nai cũng như trong nước đang phải nhập khẩu mặt hàng trên với số lượng lớn, công ty đã chú ý hơn đến thị trường nội địa. Qua các đợt xúc tiến thương mại trong nước, hiện công ty đang bán hàng cho nhiều DN Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Đồng Nai”.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Chi Ma Sa  (TP.Biên Hòa) cho hay: “Gần đây các DN Đài Loan chú ý tìm nguyên liệu tại Việt Nam hơn nên các DN trong nước có thêm các cơ hội bán hàng. Muốn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho DN Đài Loan phải đáp ứng được 3 yêu cầu quan trọng là: chất lượng cao, giá cạnh tranh và giao hàng nhanh. Đáp ứng được các yêu cầu trên, DN Việt sẽ dễ dàng bán hàng cho các DN FDI khác”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,132,774       2/827