Kinh tế

Út Tiêu làm du lịch miệt vườn

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh vào năm 2016, chàng trai miệt vườn ấp Cây Da, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) Trần Quốc Phong (tên thường gọi Út Tiêu, 26 tuổi) lại chọn vườn rẫy để khởi nghiệp.

Nông dân 9X Út Tiêu, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) bên vườn cây trái trĩu quả.
Nông dân 9X Út Tiêu, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) bên vườn cây trái trĩu quả.

Quyết định không giống ai của Út Tiêu khiến cha mẹ anh không khỏi phật ý, buồn lòng. Còn với Út Tiêu, quyết định này là một “ngã rẽ” táo bạo để thực hiện giấc mơ ấp ủ từ nhỏ của anh là trở thành kỹ sư nông nghiệp nhưng khi thi đại học, anh lại không đậu ngành này. Út Tiêu vừa hăm hở xắn tay cuốc đất, be bờ, chăm sóc vườn rẫy vừa tính toán cách tăng giá trị thu nhập cho vườn cây ăn trái của gia đình.

* Có duyên làm du lịch

Út Tiêu chia sẻ, qua những buổi sinh hoạt Đoàn với thanh niên trong ấp và tinh tế quan sát cuộc sống của nhà nông, anh lóe lên ý tưởng nếu nông dân ấp Cây Da biết khai thác du lịch từ chính khu vườn trái cây như các nơi khác thì giá trị vườn cây sẽ tăng thêm. Vậy là chàng trai Út Tiêu bàn bạc với cha mẹ cùng đoàn viên trong Chi đoàn ấp Cây Da.

Út Tiêu cho biết năm 2018, thu nhập vườn cây trái của anh phấn đấu đạt 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho trên 100 người/tháng, tăng thêm thu nhập cho 7 chủ vườn liên kết.

Mô hình này không mới đối với nhiều nông dân trong tỉnh nhưng chưa có nông dân nào ở ấp Cây Da ứng dụng. Bởi vì, nông dân ấp Cây Da dù giỏi kỹ năng làm vườn, trồng cây nhưng lại ngại tổ chức, quản lý, kết nối, giới thiệu du khách đến tham quan, vui chơi, lưu trú, thưởng thức trái cây và món ăn dân dã ngay tại vườn.

Trong quá trình tham quan nhiều nhà vườn và tìm hiểu thông tin qua internet, nghe đoàn viên trong Đoàn Thanh niên xã và Chi đoàn ấp góp ý, Út Tiêu kiến thiết lại vườn chôm chôm của gia đình bằng việc trồng thêm nhiều cây ăn trái khác như: ổi, cóc, đu đủ, xoài, cam, quýt, bưởi... Đồng thời, anh đầu tư, chăm chút cho cảnh quan khu vườn như: làm lều tranh, cầu qua suối; trồng thêm nhiều hoa, cỏ; ngỏ lời liên kết với một số hộ nông dân trong xã có vườn trái cây đẹp để cùng làm du lịch miệt vườn.

Chuẩn bị chu đáo đâu vào đó, tháng 5-2017, vào mùa trái cây chín rộ ở Long Khánh, anh treo bảng, giới thiệu, quảng bá về vườn trái cây Út Tiêu trên website, Facebook mời gọi du khách đến tham quan. Năm đó, vườn trái cây Út Tiêu đón những vị khách đầu tiên đến từ TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đúc kết từ những lời góp ý chân tình của du khách, Út Tiêu mạnh dạn mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cha mẹ thế chấp ngân hàng vay 300 triệu đồng mua thêm khu ruộng của một nông dân liền kề vườn cây của gia đình để tạo thêm sân chơi và bỏ ra 100 triệu đồng để cùng nhân dân trong tổ 4, ấp Cây Da sửa chữa đường đi vào khu vườn du lịch của mình.

* Khẳng định sức trẻ

Nhờ tài ăn nói và cung cách phục vụ tận tình, chu đáo của ông chủ vườn 9X, vườn trái cây Út Tiêu thu hút các nhóm bạn trẻ từ các nơi về thưởng ngoại phong cảnh, thưởng thức trái cây, món ăn đồng quê và dựng lều cắm trại...

Cầu vượt suối Háp do chàng trai Út Tiêu (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) xây dựng trong vườn để tạo cảnh cho du khách tham quan chụp ảnh.
Cầu vượt suối Háp do chàng trai Út Tiêu (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) xây dựng trong vườn để tạo cảnh cho du khách tham quan chụp ảnh.

Có những đoàn khách từ TP.Hà Nội đáp chuyến bay xuống TP.Hồ Chí Minh liền thuê xe chạy thẳng về vườn trái cây Út Tiêu lưu trú, trong đó có cả những thương gia, Việt kiều, người nước ngoài. Nhiều người thích thú khi tiếp xúc với chàng trai Út Tiêu mộc mạc như nhà nông nhưng giao tiếp tiếng Anh khá tốt, am hiểu tường tận việc trồng cây, con suối, chất đất xã Bình Lộc.

Để du khách trẻ không nhàm chán với khung cảnh trái cây vườn nhà và con suối Háp uốn lượn, nông dân Út Tiêu mời gọi thêm nhiều nhà vườn trái cây trong và ngoài ấp liên kết. Hình thức liên kết được Út Tiêu đưa ra khá hấp dẫn với các chủ vườn: họ được nhận 50% giá vé vào cổng là 30 ngàn đồng/người và tiền trái cây mà khách mua ăn tại chỗ hay đem về.

Từ mô hình làm du lịch vườn của chàng trai Út Tiêu có thu nhập khá và quảng bá được thương hiệu trái cây Bình Lộc, trái cây Long Khánh, các nhà vườn giàu quỹ đất và vốn ở xã Bình Lộc như: Dì Hai, Thân Thiện, Chú Hào... cũng đầu tư. Dù mỗi chủ vườn có phương thức đầu tư, quảng bá và thu hút khách khác nhau, nhưng vườn trái cây Út Tiêu vẫn luôn đông khách nhờ lợi thế tiên phong, giá rẻ, gần gũi với thiên nhiên.

“Vào ngày thứ bảy, chủ nhật có hôm vườn của tôi đón tới 500 khách. Nguồn nhân lực tôi chọn để hỗ trợ là các cô, chú giỏi về nấu ăn, rẫy vườn, các bạn đoàn viên thanh niên biết quản trò và am hiểu về, đất, người và trái cây Bình Lộc” - chàng trai Út Tiêu bộc bạch.

Từ khu vườn 8 sào với chôm chôm, mít, ổi, chuối của cha mẹ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, nông dân 9X Út Tiêu bỏ ra thêm 40 triệu đồng để kiến thiết, đầu tư lại vườn nhà để kinh doanh du lịch và đạt doanh thu 300 triệu đồng vào năm 2017. Từ đó thanh niên Út Tiêu trở thành điển hình của Đoàn thanh niên xã Bình Lộc và được tổ chức Đoàn xã đề cử Đoàn Thanh niên thị xã, Tỉnh đoàn tặng danh hiệu thanh niên tiên tiến, sản xuất - kinh doanh giỏi.

Lập thân, lập nghiệp từ mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch thành công, chàng trai Út Tiêu sẵn sàng ủng hộ các hoạt động của Đoàn Thanh niên xã, Chi đoàn ấp Cây Da và các phong trào do địa phương phát động như: quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, làm đường giao thông nông thôn... với tổng số tiền đến nay lên đến trên 150 triệu đồng.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Lộc Hoàng Đức Liêm cho biết, đoàn viên Út Tiêu thật sự mở ra cho đoàn viên, thanh niên trong xã cách thức làm ăn mới, dễ liên kết, tập hợp nhau cùng phát triển kinh tế tại địa phương. Mô hình này hiện đang được các nông dân trong và ngoài xã học tập và ứng dụng nhằm tăng giá trị sử dụng đất hằng năm trên chính khu vườn của mình, mở ra thêm cơ hội quảng bá thương hiệu trái cây, đất và người Long Khánh với du khách xa gần.

Đoàn Phú

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,132,917       1/827