Kinh tế

Gỡ khó để triển khai Luật Quy hoạch

Ngày 15-7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về tình hình triển khai Luật Quy hoạch. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ.

Việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) đang vướng mắc vì Luật Quy hoạch
Việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) đang vướng mắc vì Luật Quy hoạch

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, sau hơn 1 năm triển khai Luật Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thiện thể chế quy hoạch, phổ biến, tập huấn luật, lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng.

* “Tắc nghẽn” trong cấp phép dự án

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương đều đang gặp khó khăn vì chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chung của tỉnh. Đặc biệt, các tỉnh, thành hiện đang lúng túng trong việc tích hợp những quy hoạch nào vào quy hoạch chung của tỉnh, thành, việc quản lý những quy hoạch đã bỏ... dẫn đến nhiều dự án bị “ách” lại, đợi phê duyệt quy hoạch.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Bãi bỏ nhiều quy hoạch ngành nhưng chưa có quy hoạch mới thay thế đã gây ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư. Việc này khiến phát triển kinh tế của thành phố bị chậm lại”. Khó khăn của TP.Hồ Chí Minh cũng là khó khăn chung của các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh trình bày: “Nhiều dự án về điện gió, năng lượng mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trên địa bàn Ninh Thuận đều vướng, không thể triển khai được do chưa cập nhật vào quy hoạch quốc gia. Những dự án trên muốn triển khai phải đợi quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội phê duyệt. Ninh Thuận đã bãi bỏ 13 quy hoạch ngành và đang gặp khó vì không biết cấp phép đầu tư và quản lý ra sao”.

Các tỉnh, thành đều chờ đợi phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia mới căn cứ vào đó làm quy hoạch vùng và các tỉnh. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện các bộ, ngành vẫn đang hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Chính phủ xem xét và dự tính sẽ trình Quốc hội vào giữa năm 2021. Dự kiến đến kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021 mới được thông qua.

Hiện nay các địa phương đang rất lo lắng giai đoạn chờ quy hoạch tổng thể quốc gia, dự kiến kéo dài hơn 2 năm nữa, nhiều dự án sẽ bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

* Cần giải pháp tạm thời

Đại diện các tỉnh, thành đều đề xuất Chính phủ nên có giải pháp tạm thời trong khoảng thời gian đợi quy hoạch tổng thể cấp quốc gia.

Đồng Nai đề xuất 4 vấn đề chính

Dự hội nghi trực tuyến về triển khai Luật Quy hoạch, Đồng Nai tổng hợp một số khó khăn trình Chính phủ và Bộ Kế hoạch - đầu tư. Trong đó gồm 4 vấn đề lớn là: chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng nên Đồng Nai  thiếu thông tin làm quy hoạch tỉnh; tỉnh băn khoăn chưa biết lấy kinh phí thực hiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành từ vốn sự nghiệp hay đầu tư công; hiện Bộ Kế hoạch - đầu tư chưa có hướng dẫn danh sách các quy hoạch sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh nên rất khó thực hiện trước một số bước; đề nghị Chính phủ cho triển khai Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 mà không phải đợi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng đề xuất: “Chính phủ nên có cơ chế cho các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện các dự án trong thời gian hơn 2 năm đợi quy hoạch tổng thể quốc gia. Như vậy, các dự án mới không bị ách tắc và sẽ không khiến các địa phương bị ảnh hưởng trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội”.

Thực tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành đã gần lấp đầy và đều muốn điều chỉnh, mở rộng cho phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vướng Luật Quy hoạch mới nên chưa triển khai được. Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh, thành đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề này.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Nhiều khu công nghiệp ở Đồng Nai muốn mở rộng nhưng phải đợi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt mới có thể triển khai được. Đặc biệt Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Chính phủ đã cho chuyển đổi công năng nhưng theo Luật Quy hoạch thì phải bổ sung vào quy hoạch tỉnh. Nếu đợi quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt, dự án kéo dài thêm vài năm. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ phê duyệt riêng dự án và cho triển khai luôn”.

Ngoài ra, đại diện các địa phương cũng đề nghị Chính phủ khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì cho các địa phương tiếp tục thực hiện các dự án theo quy hoạch cũ đã phê duyệt. Đồng thời, có ngay hướng dẫn việc bỏ các quy hoạch ngành ở địa phương thì sẽ tiếp tục thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất. Chính phủ cần sớm quy định rõ những quy hoạch nào sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh để địa phương biết và có sự chuẩn bị trước.

* Làm song song các quy hoạch

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề xuất: “Hiện nhiều dự án xây dựng trên toàn quốc phải chậm lại vì đợi quy hoạch, trong thời gian giao thoa này Chính phủ cần sớm ban hành quy định cho triển khai tiếp các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó như: quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới và làm cùng lúc các quy hoạch để rút ngắn thời gian chờ đợi”.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lý giải, đây là lần đầu tiên Việt Nam làm quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó làm đồng bộ các quy hoạch khác cho giai đoạn 2021-2030. Vì thế, việc này phải làm cẩn trọng để khi ban hành có thể triển khai thuận lợi, không gặp vướng mắc lớn.

Để rút nhanh tiến độ làm quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương làm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh song song. Như vậy khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt, có thể căn cứ vào đó điều chỉnh lại quy hoạch vùng, tỉnh cho phù hợp và trình ký. “Trong giai đoạn đợi quy hoạch tổng thể quốc gia, các địa phương muốn triển khai các dự án lớn có thể tổng hợp trình Chính phủ xem xét và đề nghị Quốc hội cho tiếp tục triển khai” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhắc nhở các bộ, ngành không nên nói thiếu quy hoạch để các dự án “nằm chờ”, gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của các địa phương. Các bộ, ngành phải kịp thời tổng hợp những khó khăn của các địa phương và có đề xuất Chính phủ cách tháo gỡ để giải quyết nhanh.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,123,681       8/879