Kinh tế

Điều chỉnh các nút giao trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Đơn vị tư vấn của dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa ra một số phương án điều chỉnh các nút giao của tuyến đường cao tốc này với các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh...

ự điều chỉnh này nhằm tránh tác động đến các khu dân cư và rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.

Điểm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ giao cắt với quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Xuân Lộc
Điểm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ giao cắt với quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Xuân Lộc

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến khởi công vào quý III-2020, đến nay chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành và bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho các huyện. Tuy nhiên, thời gian còn lại (từ đây đến lúc khởi công) để thực hiện đền bù không còn nhiều.

* Cơ bản hoàn thành cột mốc mặt bằng

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Ban quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - vận tải) - chủ đầu tư dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - cho biết, tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua địa phận Đồng Nai dài hơn 50km, đến nay đã hoàn thành và bàn giao cột mốc giải phóng mặt bằng được hơn 45 km.

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Chiều dài tuyến đường cao tốc khoảng 99km, riêng đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km đi qua các địa phương Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và Thống Nhất.

Cụ thể, đoạn đi qua địa bàn huyện Xuân Lộc của tuyến đường cao tốc này dài 29km, đoạn qua huyện Cẩm Mỹ dài hơn 13km, qua TP.Long Khánh dài 2,6km, còn lại 5,6km thuộc các nút giao chưa bàn giao.

Theo ông Lâm, khu vực chưa được bàn giao mốc giải phóng mặt bằng là do đơn vị tư vấn đưa ra một số phương án thiết kế lại các nút giao nhằm tránh các khu dân cư, các đoạn này đang chờ ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông - vận tải.

Cũng theo chủ đầu tư, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khởi công vào quý III-2020, thời gian còn khá ít nên tiến độ giải phóng mặt bằng cần phải thực hiện nhanh.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án Thăng Long, diện tích giải phóng mặt bằng cho dự án ở 3 địa phương (huyện Thống Nhất, huyện Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh) tương đối ít nên không quá lo ngại và hoàn toàn có thể đáp ứng thời gian. Chỉ riêng huyện Xuân Lộc có diện tích đất giải tỏa lấy mặt bằng thi công đường cao tốc nhiều nhất, 29km và phải bố trí tái định cư cho hơn 250 hộ dân nên cần tập trung nhiều.

“Đến nay, vốn cho giải phóng mặt bằng đã sẵn sàng chuyển cho các địa phương để kịp thời chi trả cho các hộ dân. Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý những vướng mắc phát sinh” - ông Lâm chia sẻ.

* Sẽ điều chỉnh các nút giao

Theo đơn vị tư vấn, có một số nút giao cần phải điều chỉnh phương án kết nối. Cụ thể như điểm cao tốc giao với đường 765 (huyện Xuân Lộc), theo phương án thiết kế trước đây, đường 765 sẽ được xây dựng cầu vượt qua đường cao tốc theo dạng đường cao tốc nằm dưới cầu vượt. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm ảnh hưởng các hộ dân ở gần tuyến đường cao tốc do bị cầu vượt che chắn trước nhà. Phương án mới sẽ xây dựng đường băng cao tốc vượt hẳn trên cao, băng qua đường 765 để không ảnh hưởng đến dân cư.

Thiết kết nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường 765 trên địa bàn huyện Xuân Lộc. ẢNh: K.GIỚI
Thiết kết nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường 765 trên địa bàn huyện Xuân Lộc. ẢNh: K.GIỚI

Ở tuyến đường Xuân Định - Lâm San (đường vào hồ suối Vọng, huyện Cẩm Mỹ), thiết kế cũng được thay đổi, từ phương án làm cầu vượt qua cao tốc, nay tuyến cao tốc sẽ được đào sâu xuống dưới mặt đất khoảng 5m để “chui” qua tuyến đường hiện hữu. Riêng đối với nút giao đường cao tốc với đường Xuân Phú - Xuân Tây (huyện Xuân Lộc), đơn vị tư vấn đề xuất phương án mới thay đổi vị trí xây dựng để tránh khu dân cư.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc trăn trở, sự thay đổi này khiến tuyến đường hiện hữu trở thành đường “cụt” do bị đường cao tốc chia cắt. Không chỉ vậy, kế hoạch kiểm đếm, thu hồi đất cũng đã được huyện thông báo đến dân. Việc thay đổi vị trí làm xáo trộn quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện và có thể các thủ tục về điều chỉnh mất thời gian nhiều hơn so với thực hiện theo hiện trạng cũ. “Các hộ dân đã biết về dự án và cũng trong tâm thế di dời, nếu thay đổi vị trí phải xem xét lại tính pháp lý, sẽ làm mất rất nhiều thời gian” - ông Sơn nói. 

Về vấn đề này, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, nên giữ nguyên phương án ban đầu để đảm bảo thời gian giải phóng mặt bằng và không làm xáo trộn khu dân cư. 

Với tiến độ giải phóng mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đây là dự án trọng điểm quốc gia, thời gian gấp gáp, các địa phương phải thực hiện nhanh để kịp tiến độ. Bắt buộc đến hết tháng 12 năm nay việc giải phóng mặt bằng cơ bản xong để bàn giao cho chủ đầu tư. Riêng huyện Xuân Lộc, do diện tích giải tỏa khá nhiều nên có thể hoàn thành vào đầu năm 2020.

Khắc Giới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,124,136       30/887