Kinh tế

Sớm giải quyết những vướng mắc trong quản lý, bảo vệ rừng

(ĐN)- Ngày 9-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chủ trì buổi làm việc với Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và các sở, ngành liên quan về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong 6 tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì buổi làm việc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì buổi làm việc

Theo Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đơn vị hiện quản lý, bảo vệ gần 68 ngàn hécta rừng, đất lâm nghiệp và hơn 32,5 ngàn hécta vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả tích cực, tài nguyên rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ ngày càng cao; quản lý và bảo vệ tốt diện tích đất lâm nghiệp và vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An…

Tuy nhiên, theo đại diện Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thì Hạt kiểm lâm của khu bảo tồn phải trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị kiến nghị việc thay đổi này cần có phương án, lộ trình phù hợp.

Ngoài ra, đơn vị còn đề xuất một số vấn đề liên quan đến trồng, khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa vùng Chiến khu Đ, quản lý sử dụng đất đai thuộc hồ Trị An, xử lý đất giao khoán, quản lý vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An…

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan phối hợp cùng Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai sớm có phương án triển khai phù hợp để giải quyết những khó khăn, đề xuất của đơn vị.

Riêng việc áp dụng Nghị định 01/2019 của Chính phủ về lực lượng kiểm lâm, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp cùng đơn vị có văn bản kiến nghị cụ thể gửi Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn. 

Lam Phương

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,125,143       16/852