Kinh tế

Băn khoăn với dự án Tổng kho trung chuyển miền Đông

Là nơi có nhiều tuyến giao thông của quốc gia và của vùng đi qua, năm 2011 Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch Tổng kho trung chuyển miền Đông ở huyện Trảng Bom có diện tích 1.400 hécta. Sau hơn 8 năm, nhu cầu kho trung chuyển đã thay đổi, một số ý kiến cho rằng nên xem xét lại quy hoạch cho phù hợp.

Bản đồ quy hoạch xây dựng Tổng kho trung chuyển miền Đông ở huyện Trảng Bom. Ảnh: H.GIANG
Bản đồ quy hoạch xây dựng Tổng kho trung chuyển miền Đông ở huyện Trảng Bom. Ảnh: H.GIANG

Theo Sở Xây dựng, Tổng kho trung chuyển miền Đông nằm trải dài qua 4 xã của huyện Trảng Bom là Giang Điền, Quảng Tiến, Đồi 61 và Tây Hòa. Dự tính sẽ trung chuyển hơn 200 triệu tấn hàng hóa cho vùng miền Đông.

* Rộng gần bằng thị trấn Trảng Bom

Với diện tích 1.400 hécta (tương đương 14km2), Tổng kho trung chuyển miền Đông lớn gần bằng diện tích của thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Để thực hiện dự án, phải thu hồi đất của gần 1.800 hộ và trong số đó gần 1 ngàn hộ có nhà với gần 4.100 nhân khẩu. Trong đó, có 2 khu vực rất đông dân cư. Thứ nhất là dọc tuyến tỉnh lộ 777, diện tích 151 hécta thuộc địa bàn xã Đồi 61, hơn 300 hộ dân đang sinh sống. Khu vực đông dân thứ hai là phía Tây Bắc của dự án, giáp đường sắt Bắc -  Nam, rộng hơn 208 hécta, thuộc địa bàn xã Quảng Tiến có 400 hộ dân.

Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng Tổng kho trung chuyển miền Đông gần 3.150 tỷ đồng và chia thành 2 giai đoạn để thực hiện. Giai đoạn 1 sẽ làm các hạng mục trọng điểm là giao thông, điện, khu kho bãi, dịch vụ, khu đô thị để tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Giai đoạn 2 giải phóng mặt bằng còn lại, nâng cấp các khu chức năng của giai đoạn 1, lấp đầy các khu chức năng còn trống, kết nối các công trình hạ tầng đầu mối. Kết nối với đường vành đai 3 vùng TP.Hồ Chí Minh. Tiến độ dự án bị lùi lại so với quyết định của UBND tỉnh vào năm 2011.

Do đã có quy hoạch chung xây dựng 1/5.000, người dân trong vùng dự án đã bị ảnh hưởng đến quyền lợi trên thửa đất của mình khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất, xin phép xây dựng nhà ở, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang cây lâu năm...

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho biết: “Người dân có đất nằm trong vùng dự án mong dự án này sớm triển khai để họ di dời đến nơi khác an cư, lập nghiệp. Sau gần 10 năm quy hoạch chưa triển khai dự án, số hộ dân đã phát sinh thêm hơn 200 hộ với gần 400 nhân khẩu”.

Nhiều người dân có nhà, đất nằm trong quy hoạch tổng kho đều có chung suy nghĩ, tỉnh, huyện quy hoạch dự án thì triển khai nhanh, tránh kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân. Nguyên nhân là do nhà cửa xuống cấp, muốn xây dựng lại thì chỉ được cấp phép tạm. Khi muốn chuyển đổi từ cây ngắn ngày sang trồng cây lâu năm để có lợi nhuận cao cũng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Mai, xã  Đồi 61 nói: “Căn nhà của gia đình tôi đã xuống cấp nhưng không dám xây lại cho khang trang vì lo mới làm xong dự án triển khai sẽ bị thu hồi đất. Vì vậy, mấy năm nay gia đình tôi đành sống trong căn nhà chật chội và xuống cấp”.

Cuối năm 2016, dự án Tổng kho trung chuyển miền Đông có Tổng công ty xây dựng số 1 (TP.Hồ Chí Minh) đề xuất đầu tư kho với diện tích khoảng 300 hécta. Tuy nhiên, tiểu dự án này vẫn đang trong quá trình hoàn thành thủ tục hồ sơ.

* Nên giảm bớt diện tích tổng kho

Xu hướng hiện nay là nhiều doanh nghiệp đóng hàng trực tiếp tại công ty và đưa thẳng đến các cảng, sân bay, ga tàu lửa để vận chuyển đến nơi mua. Do đó, nhu cầu thuê kho để trữ hàng rồi mới chuyển đi sẽ giảm dần. Các sở, ngành đề xuất xem xét lại quy hoạch Tổng khu trung chuyển miền Đông và điều chỉnh diện tích cho phù hợp; tránh quy hoạch quá lớn, khó thu hút đầu tư gây lãng phí và khó khăn cho người dân trong vùng dự án.

Dự án Tổng kho trung chuyển miền Đông đã được UBND tỉnh phê duyệt từ đầu năm 2011 với diện tích 1.400 hécta. Trong đó, xã Đồi 61 là 900 hécta, Quảng Tiến 399 hécta, Tây Hòa 58 hécta và Giang Điền 43 hécta.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) đề xuất: “Đồng Nai hiện chỉ có 1 cảng cạn trung chuyển hàng hóa tại huyện Nhơn Trạch nên việc quy hoạch Tổng kho trung chuyển tại huyện Trảng Bom là rất phù hợp. Thế nhưng phải yêu cầu đơn vị tư vấn đánh giá kỹ lại nhu cầu cần thuê kho trung chuyển hàng hóa để điều chỉnh lại quy mô dự án cho phù hợp”.

Theo Trung tâm quy hoạch xây dựng Đồng Nai (đơn vị tư vấn), dựa trên kịch bản phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kịch bản phát triển kinh tế Đồng Nai đến năm 2020, tỉnh nên điều chỉnh quy quy hoạch chung xây dựng Tổng kho trung chuyển miền Đông xuống còn 1.100 hécta là phù hợp nhất.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết: “Theo quy hoạch của Bộ Giao thông - vận tải về hàng hóa vận chuyển khu vực Đông Nam bộ giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,3 triệu TEU và hơn 200 triệu tấn hàng. Dự kiến chỉ có hơn 10% lượng hàng cần về kho trung chuyển. Thu hẹp diện tích quy hoạch tổng kho thích hợp với nhu cầu thực tế”.

Theo quy hoạch chung xây dựng Tổng kho miền Đông đã được tỉnh phê duyệt, sẽ có 2 phân khu chức năng chính là khu tổng kho, khu lưu trú cho công nhân, chuyên gia và tái định cư. Khu tổng kho sẽ có ga hàng hóa, khu ICD, khu sản xuất phụ trợ, khu trung tâm quản lý điều hành...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu: “Đơn vị tư vấn phải đánh giá lại xu hướng vận chuyển hàng hóa của hiện tại và trong tương lai xem nhu cầu thuê kho để lưu giữ hàng hóa lâu dài sẽ tăng hay giảm. Căn cứ vào đó điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch cho phù hợp để tránh quy hoạch quá lớn không kêu gọi được đầu tư”.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh quy hoạch các dự án để thu hút đầu tư là cần thiết để góp phần phát triển kinh tế, xã hội ngày một tốt hơn. Thế nhưng, nếu quy hoạch không tìm hiểu kỹ thực tế, có tầm nhìn xa về khả năng phát triển của địa bàn sẽ khiến quy hoạch sớm bị lỗi thời khó thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, làm ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế của người dân trong khu vực bị quy hoạch.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,124,584       19/848