Kinh tế

Xuất khẩu gỗ khởi sắc

Dù chịu nhiều tác động từ tình hình thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh với mức tăng trưởng khá tốt trong thời gian qua.

Chế biến gỗ tại một công ty chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu ở huyện Trảng Bom. Ảnh: V.Nam
Chế biến gỗ tại một công ty chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu ở huyện Trảng Bom. Ảnh: V.Nam

Tuy nhiên, ngành hàng này hiện vẫn đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề mặt bằng sản xuất, vấn đề quy hoạch các cụm công nghiệp chuyên sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ...

* Nhiều đơn hàng đến cuối năm

Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Đồng Nai ước đạt 688 triệu USD, chiếm hơn 7% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các sở, ngành liên quan xem xét, có phương án xử lý phù hợp, nhất là công tác xúc tiến quảng bá, tham dự các hội chợ quốc tế về ngành gỗ, các chính sách liên quan đến vay vốn, phát triển thêm các cụm công nghiệp về chế biến gỗ; các giải pháp đảm bảo an toàn sản xuất, phòng chống cháy nổ, hạn chế ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ...

Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng gỗ và sản phẩm đồ gỗ Đồng Nai gồm: Mỹ (đạt kim ngạch 418 triệu USD), Hàn Quốc (90,6 triệu USD), Nhật Bản (77 triệu USD)...

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha) cho biết, hiện nay dù mới giữa tháng 7-2019 nhưng phần lớn doanh nghiệp trong hiệp hội đã ký kết đơn hàng đến hết quý III; nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm nay.

Với mức độ tăng trưởng như hiện tại, trong năm nay ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh có thể vượt mốc 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Ông Phạm Văn Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - thương mại Minh Trí (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) - doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu cho hay: “Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 25 container sản phẩm sang các thị trường nói trên. Tình hình kinh doanh có nhiều khởi sắc so với năm ngoái”.

Theo nhiều dự báo, thời gian tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng trưởng khả quan do có nhiều yếu tố thuận lợi. Một trong những thuận lợi đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là mặt hàng gỗ, nội thất hiện chiếm tỷ trọng gần 17% trong các dòng sản phẩm từ Trung Quốc bị Mỹ tăng thuế. Do đó, các nhà nhập khẩu từ Mỹ nhiều khả năng sẽ đi tìm nguồn hàng khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6 cũng mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước.

* Tháo “nút thắt” về mặt bằng sản xuất

Ông Phan Văn Bình cho biết thêm, dù tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang có nhiều thuận lợi, đơn hàng dồi dào nhưng hiện nay việc tìm mặt bằng đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ còn gặp khó khăn.

Hiện chưa có cụm công nghiệp chuyên về sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ. Một số doanh nghiệp gỗ vẫn còn hoạt động trong các khu dân cư tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng tới môi trường...

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết, vào năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với Cụm công nghiệp Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) với diện tích 75 hécta là cụm công nghiệp chuyên dùng đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp gỗ. Tháng 3-2018, giai đoạn 1 của cụm công nghiệp này với quy mô gần 49 hécta được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Thiện Tân giai đoạn 1 vẫn chưa thể mời gọi các doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp do chưa hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng.

Cụ thể, hiện giai đoạn 1 của Cụm công nghiệp Thiện Tân vẫn còn khoảng 8 hécta chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, do hệ thống thoát nước ngoài ranh cụm công nghiệp này chưa được xây dựng nên mặt bằng bên trong thường xuyên bị ngập nước, gây khó khăn cho việc thi công.

Ông Đinh Trọng Liên, đại diện doanh nghiệp tư nhân Quốc Bình (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) - một trong số các doanh nghiệp dự kiến sẽ di dời địa điểm sản xuất gỗ vào Cụm công nghiệp Thiện Tân bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn sớm có mặt bằng để ổn định sản xuất. Dowooha cần chủ động cập nhật thông tin về tiến độ triển khai cụm công nghiệp, thủ tục liên quan để các doanh nghiệp nắm bắt và có kế hoạch di dời phù hợp.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay, huyện sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 cho chủ đầu tư trong vòng 2 tháng tới. Đối với hệ thống thoát nước ngoài ranh cụm công nghiệp, huyện đang tiến hành đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công để đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Dowooha và các doanh nghiệp nói trên cần đối thoại để thống nhất, giải thích rõ các nội dung liên quan. Hiệp hội cần chủ động thông tin minh bạch về các chủ trương, chính sách, tiến độ triển khai Cụm công nghiệp Thiện Tân. Đồng thời, các sở, ngành và địa phương liên quan cần tập trung, sớm giải quyết những vướng mắc để sớm triển khai xây dựng cụm công nghiệp này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng giao Sở Công thương xây dựng phương án quy hoạch thêm 6 cụm công nghiệp khác để phục vụ cho nhóm doanh nghiệp sản xuất ngành gỗ nhằm giải quyết nút thắt về mặt bằng sản xuất, di dời các xưởng chế biến gỗ ra ngoài khu dân cư...

Lam Phương

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,124,439       16/854