Kinh tế

Đồng Nai dồn lực chống dịch

Tuy dịch khảm lá mì tại Đồng Nai xuất hiện trễ hơn nhiều tỉnh, thành khác nhưng diễn biến của dịch bệnh này khá phức tạp với nguy cơ lây lan, gây hại lớn.

Tình hình dịch sâu keo mùa thu trên địa bàn tỉnh cũng ở mức đáng báo động với diện tích bắp bị sâu cắn phá lớn nhất khu vực phía Nam.

Nông dân huyện Cẩm Mỹ xịt thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu keo mùa thu. Ảnh: Đinh Tài
Nông dân huyện Cẩm Mỹ xịt thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu keo mùa thu. Ảnh: Đinh Tài

TIN LIÊN QUAN
Hiện Đồng Nai đang dồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống 2 loại dịch bệnh trên. Trong đó, việc nâng cao nhận thức để người dân chủ động phòng chống dịch được đặc biệt quan tâm. 

* Thay đổi từ nhận thức

Hiện Đồng Nai chưa đủ điều kiện để công bố dịch khảm lá mì trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho phép tỉnh hỗ trợ cho nông dân có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá đã thực hiện việc xử lý bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn một phần chi phí sản xuất đối với các tỉnh chưa đủ điều kiện công bố dịch theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng gần 14,3 ngàn hécta bắp. Trong đó, dịch sâu keo mùa thu đã lan rộng hơn 496 hécta. Còn dịch khảm lá mì xuất hiện tại Đồng Nai và gây hại từ tháng 6 năm 2018 với chỉ hơn 6 hécta bị nhiễm bệnh. Nhưng đến tháng 7-2019, diện tích mì khảm lá đã tăng lên gần 451 hécta.

Theo Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam Lê Quốc Cường: “Để chủ động phòng dịch, việc thay đổi nhận thức của nông dân trong chủ động phòng chống dịch có ý nghĩa quyết định”.

Các địa phương phải tích cực vận động, tuyên truyền nông dân tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh nặng; ngăn chặn nguồn bệnh lây lan qua việc mua bán, sử dụng hom giống bệnh.

Điều cần chú trọng trong phòng chống dịch sâu keo mùa thu thời gian tới là nông dân phải thăm đồng thường xuyên, phát hiện ổ dịch và sớm xử lý để đạt hiệu quả. Lực lượng cán bộ nông nghiệp, cán bộ bảo vệ thực vật cơ sở tại các địa phương cũng phải tích cực trong công tác kiểm tra, phát hiện sớm, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh.

* Ra đồng cùng nông dân

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, Đồng Nai vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn để nông dân chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch khảm lá mì và sâu keo mùa thu; không để lây lan thành đại dịch.

Với dịch khảm lá mì, nông dân phải chủ động chọn mua giống an toàn ở những cơ sở uy tín. Vì giải pháp quan trọng hiện nay trong phòng dịch khảm lá mì là nhân rộng nguồn giống mì sạch bệnh.

Theo đó, Đồng Nai đã thực hiện được 4 mô hình quản lý giống mì sạch bệnh với tổng diện tích 92 hécta. Các mô hình này áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý như: sử dụng bẫy dính màu vàng và phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bọ phấn trắng; xét nghiệm mẫu bọ phấn và cây mì trước khi thu hoạch để xác định giống sạch bệnh… Nguồn giống sạch này sẽ được cung cấp cho sản xuất.

 Ông Vinh cho biết: “Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ ưu tiên nguồn kinh phí nhân rộng mô hình làm những vùng giống sạch bệnh phục vụ cho sản xuất. Thời gian tới, các địa phương nên khảo sát trên địa bàn, khoanh vùng tiếp tục nhân rộng khu vực trồng mì cung cấp nguồn cây giống sạch bệnh”.

Tại Đồng Nai, dịch sâu keo mùa thu bùng phát mạnh nhất ở huyện Cẩm Mỹ với 230 hécta bắp bị nhiễm bệnh. Nói về nguyên nhân dịch này lây lan nhanh tại địa phương, bà Nguyễn Thị Điệp, Phó phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ cho rằng do vụ sản xuất này, diện tích trồng bắp tăng cao với khoảng 5,7 ngàn hécta. Mặt khác vì đây là vụ bắp đầu tiên nông dân mới biết về loài sâu keo mùa thu nên lúng túng trong công tác phòng, chống dịch.

Bà Điệp góp ý: “Xã Xuân Tây từng thử nghiệm tập huấn cho nông dân phương pháp phun thuốc trừ sâu keo mùa thu ngay tại đồng ruộng; hướng dẫn họ cụ thể từ tỷ lệ pha chế, cách phun xịt thuốc sao cho đúng liều lượng, thời điểm và hiệu quả đạt được rất tốt. Thời gian qua, nội dung hướng dẫn về loại sâu này của các cơ quan chuyên môn còn nặng tính giấy tờ khiến nông dân khó tiếp thu. Các chương trình tập huấn cho nông dân nên chuyển từ trong hội trường, văn phòng ra ngoài cánh đồng theo kiểu cầm tay chỉ việc...”.

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,123,663       2/878