Xã hội

Đồng Nai có nguy cơ nhiễm virus Zika cao

Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Trưởng đoàn giám sát của Bộ Y tế giám sát về công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại Đồng Nai mới đây.

Ông Khoa cho biết:

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) kiểm tra các vật phế thải có chứa lăng quăng ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.  Ảnh: Mỹ Hoa
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) kiểm tra các vật phế thải có chứa lăng quăng ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Mỹ Hoa

- Đồng Nai là một trong những tỉnh trọng điểm có nguy cơ nhiễm virus Zika cao do giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh, nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Đồng Nai cũng là một trong những địa bàn có tỷ lệ người dân mắc sốt xuất huyết cao trong thời gian vừa qua, có nhiều ca tử vong. Trong khi đó, bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt giống như sốt xuất huyết.

 Bệnh do virus Zika có nguy hiểm không, thưa ông?

- Thực ra, bệnh do virus Zika đã có từ lâu. Có đến 80% người mắc bệnh do virus Zika không có triệu chứng, nếu có chỉ sốt nhẹ, phát ban nên người ta không để ý, không quan tâm lắm. Nhưng gần đây, virus này bùng phát mạnh tại một số quốc gia, đặc biệt khi thấy mối liên hệ giữa bệnh đầu nhỏ của trẻ sơ sinh có liên quan đến người mang thai nhiễm virus Zika nên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới quan tâm nhiều đến bệnh này, vì rõ ràng bệnh này không gây nguy hiểm nhiều, không gây tử vong cho người mắc bệnh nhưng biến chứng, hậu quả để lại cho trẻ sơ sinh rất lớn. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy virus Zika có liên quan đến hội chứng viêm đa rễ thần kinh, gây liệt mềm, liệt cấp tính cả người đối với trẻ sơ sinh.

 Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống virus Zika ở Đồng Nai qua đợt đi?

- Qua đi thực địa tại xã Tân An, (huyện Vĩnh Cửu) tôi thấy một số người dân đã có nhận thức nhất định về bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn những vật dụng chứa lăng quăng ở các vật phế thải xung quanh nhà, như: lu nước, hũ nhựa... Đây là vấn đề tỉnh cần quan tâm tập trung trong thời gian tới. Hiện nay, trọng tâm của phòng chống bệnh do virus Zika cũng là trọng tâm của bệnh sốt xuất huyết. Đối với Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Cửu và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã có kế hoạch phòng chống dịch, nhưng vẫn cần bổ sung một số điểm, như: khám sàng lọc những ca bệnh đầu tiên, chuẩn bị kiến thức cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt bác sĩ của các khoa sản, có thể tư vấn được người bệnh, nhất là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu để có giải thích, tư vấn cho phù hợp, tránh để cho người dân hoang mang. Nhưng cũng không thể coi thường với những biến chứng của bệnh do virus Zika gây ra bệnh đầu nhỏ, cũng như các biến chứng về thần kinh đã nêu.

 Vậy, Đồng Nai cần làm gì để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika tốt hơn, thưa ông?

4 đường lây truyền Virus Zika

Virus Zika lây truyền qua đường muỗi đốt, từ mẹ sang con trong quá trình thai nghén, quan hệ tình dục và đường máu. Tuy nhiên, trọng tâm nhất là con đường lây truyền qua muỗi đốt, bởi vì đây là nguy cơ cao nhất vì ở Việt Nam đang có nhiều tỉnh, thành lưu hành muỗi sốt xuất huyết cao và đây cũng là loại muỗi lây truyền virus Zika.

- Muốn chống dịch thành công, người dân đóng vai trò quyết định. Do đó, chúng tôi mong muốn tỉnh huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika bằng tuyên truyền cho người dân biết cách diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, phòng tránh muỗi đốt để cùng một lúc phòng, chống 2 loại bệnh này. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của các vị chức sắc tôn giáo để cùng tuyên truyền đến bà con giáo dân cách phòng chống dịch. Đích đến là mỗi hộ gia đình đều chủ động diệt lăng quăng thì mới giải quyết được vấn đề cốt lõi trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

 Như vậy, bệnh do virus Zika thực sự là mối lo ngại đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Theo ông, cần phải làm gì để phòng chống bệnh do virus Zika, nhất là cho phụ nữ mang thai?

- Đúng vậy, hậu quả của bệnh sốt xuất huyết thấy ngay lập tức, có thể gây tử vong, còn hậu quả của virus Zika là lâu dài, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và vận động của trẻ sơ sinh. Do đó, ngành y tế cần chỉ đạo các cơ sở y tế phát hiện các ca bệnh sớm, trọng tâm rà soát đối tượng là bà mẹ mang thai 3 tháng đầu; cần có lớp tập huấn riêng cho các bác sĩ sản khoa trong tầm soát, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ. Riêng phụ nữ có kế hoạch mang thai, phụ nữ mang thai thì cần tránh đi đến những vùng có dịch, đặc biệt trong thời kỳ mang thai 3 tháng đầu để tránh nhiễm bệnh do virus Zika. Nếu phụ nữ mang thai có các triệu chứng: sốt nhẹ, phát ban... cần tới các bệnh viện để khám, sàng lọc để được tránh hoang mang, lo lắng.

 Xin cảm ơn ông.

Ngọc Thư - Mỹ Hoa
(thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,592,202       1/975