Xã hội

Bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư số 15/2016/TT-BYT, quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH, tăng 4 bệnh so với quy định cũ.

Người lao động đang khám bệnh phổi tại Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai. Ảnh: Vy Vy
Người lao động đang khám bệnh phổi tại Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai. Ảnh: Vy Vy

Bệnh nghề nghiệp là những bệnh mà người lao động mắc phải do tiếp xúc với môi trường công việc hoặc liên quan đến công việc trong quá trình lao động. Người mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được kiểm tra, giám định và tùy theo mức độ nhiễm bệnh để xem xét hỗ trợ hưởng chế độ BHXH.

* Bệnh của người lao động

Là một trong những tỉnh công nghiệp lớn của cả nước, Đồng Nai thu hút một lượng lớn người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Môi trường làm việc ở doanh nghiệp đều khá phức tạp. Một số doanh nghiệp có môi trường độc hại, hoặc có những ảnh hưởng về sức khỏe đối với người lao động. Do đó, để bảo vệ quyền lợi về sức khỏe cho công nhân thì trách nhiệm trước tiên thuộc về người sử dụng lao động; đồng thời, chính bản thân mỗi người cần quan tâm đến vấn đề này.

Theo Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, mỗi năm trung tâm khám và giám định hơn 10 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ còn nhiều hơn vì hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký khám bệnh tại các phòng khám tư nhân, nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không đi khám vì sợ mất công việc hiện tại của mình; thậm chí có những trường hợp mắc bệnh sau khi nghỉ làm thời gian dài, bệnh mới xuất hiện nên không thể hoàn tất các thủ tục để được hỗ trợ BHXH theo quy định.

 Hiện nay, số người mắc bệnh nghề nghiệp nhiều nhất là bị điếc. Hầu hết số người lao động mắc bệnh này đang làm việc trong môi trường ồn ào. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, bệnh điếc là loại bệnh không thể chữa khỏi. Số ca mắc bệnh này nhiều là do hiện nay các doanh nghiệp đều có xưởng làm việc ồn ào. Đây là bệnh được hưởng BHXH nên người lao động nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý từng trường hợp.

* Đồng hành với người lao động

Theo quy định, người mắc bệnh nghề nghiệp được trợ cấp BHXH hàng tháng tùy theo mức lương và tính chất công việc của người lao động. Chính sách này góp phần hỗ trợ người bị bệnh khi điều trị là sự sẻ chia với người lao động sau những tổn thương thân thể do môi trường làm việc gây ra. Hiện nay, Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai là đơn vị duy nhất được phép khám, giám định và công nhận bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp ít quan tâm đến các chế độ về an toàn vệ sinh lao động, như: quan trắc môi trường làm việc, khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe để xác định bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang cho biết, gần đây một số doanh nghiệp đã ý thức được trách nhiệm của đơn vị trong bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động. Số công ty tìm đến trung tâm đăng ký khám sức khỏe, tầm soát bệnh nghề nghiệp cho người lao động tăng đáng kể. Từ đó, người lao động được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. “Người lao động nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và làm các thủ tục hưởng BHXH theo quy định hỗ trợ BHXH. Ngoài những bệnh được hưởng BHXH, như: bụi phổi, điếc… vẫn còn một số bệnh nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp khác nhưng chưa được hưởng BHXH, như: đau xương khớp, hội chứng vai gáy, cao huyết áp, tật khúc xạ ở mắt…người lao động sẽ phải tự lo khi có bệnh”.

Trên địa bàn tỉnh có trên 1,8 ngàn cơ sở lao động với trên 511 ngàn người lao động thực hiện công tác y tế lao động. Trong đó, Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường quản lý công tác y tế lao động tại 988 cơ sở, hơn 860 cơ sở thuộc quản lý của các trung tâm y tế tuyến huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 28 cơ sở lao động thực hiện khám bệnh nghề nghiệp với gần 4 ngàn lượt người. Qua thăm khám có 19 trường hợp được giám định và cấp sổ bệnh nghề nghiệp, nâng tổng số người được giám định bệnh nghề nghiệp và hưởng bảo hiểm trong tỉnh lên 248 trường hợp. Các loại bệnh nghề nghiệp được khám bao gồm: điếc, bụi phổi silic, viêm phế quản mạn tính, viêm gan virus… Đây là những bệnh nghề nghiệp nằm trong danh mục được hưởng BHXH theo quy định. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý  các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh về quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện xây dựng và giám sát 11 mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp về các bệnh bụi phổi amiang, bụi phổi silic, điếc nghề nghiệp, lao nghề nghiệp, viêm gan virus tại Bệnh viện phổi Đồng Nai và một số nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời, tiến hành điều tra 80 cơ sở ngành thực phẩm về điều kiện lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Vy Vy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,569,857       25/582