Trong năm 2016, dân số Đồng Nai tăng 82 ngàn người, nâng tổng số dân của tỉnh lên 3,1 triệu. 3 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa có số dân tăng mạnh nhất.
Trường THCS Trảng Dài 2 được khởi công ngày 6-6-2016 với kinh phí xây dựng 53 tỷ đồng, góp phần giải quyết tình trạng học quá tải ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa). |
Dân số đông đã tạo nhiều áp lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền trên các lĩnh vực, nhất là công tác giáo dục.
Khó chấm dứt học ca 3
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cho rằng “nước chảy về chỗ trũng”, ở đâu cần thì lực lượng lao động sẽ tới, đó là điều tất yếu. Tới đây, tỉnh sẽ phải tính làm sao để xử lý được tình hình tăng dân số cơ học, sẽ hạn chế thu hút dự án sử dụng nhiều lao động, phải tính chủ trương, chính sách như thế nào cho phù hợp chứ xây trường chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết căn cơ vấn đề. |
Đồng chí Huỳnh Tấn Đạt, Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa, cho biết năm nào Biên Hòa cũng phải xây thêm trường lớp để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, nhưng tình trạng học ca 3 chưa chấm dứt.
Để chuẩn bị cho năm học 2016-2017, Biên Hòa đã triển khai một loạt dự án trường, lớp ở các phường, xã: Bình Đa, Long Bình, Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước, nhưng hiện tại còn 3 trường tiểu học với 51 lớp phải học ca 3. Các trường phải học ca 3 vì không thể thực hiện được phương án dồn học sinh (sĩ số mỗi lớp đã quá đông); không thể tận dụng được cơ sở vật chất hiện có (các phòng chức năng của trường đã được tận dụng hết để làm lớp học); không thể mượn hoặc thuê cơ sở ngoài trường để giảng dạy. Dù đang rất khó khăn về vốn cũng như địa điểm xây dựng trường lớp, song lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp ở một số phường, xã để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh phải học ca 3.
Liền kề với Biên Hòa, số học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu cũng đang có xu hướng tăng. Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa, năm học 2016-2017 toàn huyện tăng 200 học sinh. Dù chưa xảy ra tình trạng học ca 3 nhưng để có chỗ học cho học sinh, một số trường phải mượn trụ sở công an và sử dụng cơ sở vật chất khác để làm lớp học. Các trường ở xã Thạnh Phú có sĩ số học sinh đông nhất, mỗi lớp hơn 50 học sinh. Học sinh tăng nhưng biên chế giáo viên không được tăng thêm. Để có đủ giáo viên dạy ở các lớp theo sĩ số của trường chuẩn quốc gia, năm học 2015-2016 huyện đã phải hợp đồng thêm 100 giáo viên, nhưng không có cơ chế tài chính để trả lương cho số giáo viên này. Các trường phải lấy kinh phí chi thường xuyên để trả lương giáo viên, đến nay nguồn kinh phí này ở các trường đã hết. Ngành giáo dục không giải quyết sớm tình trạng này, khó tránh sẽ đến học ca 3 ở Vĩnh Cửu.
Khó tuyển giáo viên mầm non
Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Trinh, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành, cho hay năm học 2016-2017 số học sinh ở huyện Long Thành tăng thêm 1.050 em. Hiện nay toàn huyện có 61 trường công lập và 10 trường ngoài công lập. Vừa qua, Long Thành còn xây dựng thêm 3 trường học nên cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, huyện đang thiếu giáo viên. Số biên chế mà tỉnh phân bổ về cho huyện là 2.195 giáo viên, nhưng thực tế huyện cần 2.370 giáo viên, tức là đang thiếu 175 giáo viên. Tuy ở Long Thành chưa có tình trạng học ca 3, song sĩ số mỗi lớp ở các trường của thị trấn Long Thành đang cao hơn nhiều so với quy định. Cách đây một năm, huyện đã có văn bản đề nghị xây thêm 12 phòng học cho Trường THPT Long Phước nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Đức Thạnh, Phó bí thư thường trực Thị ủy Long Khánh, cho biết Long Khánh đang khó tuyển giáo viên mầm non. Hiện tại, Long Khánh còn thiếu 31 giáo viên ở bậc học này. Giáo viên mầm non phải làm việc 10-12 tiếng/ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối nhưng lương thấp. Lương khởi điểm của giáo viên mầm non, nếu trình độ cao đẳng là 1,86; trình độ đại học là 2,34, song trước mắt chỉ được hưởng 80% của hệ số lương này. Thu nhập thấp cộng với áp lực công việc như trên nên nhiều giáo viên mầm non nghỉ việc, đi làm công nhân thu nhập cao hơn.
Đồng chí Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết sự nghiệp giáo dục không hạn chế về biên chế, còn về tình trạng học ca 3 đã diễn ra nhiều năm ở Biên Hòa. Trong năm học 2016-2017, tỉnh đã hỗ trợ thêm kinh phí để Biên Hòa xây dựng trường lớp, nhưng cái khó hiện nay là quỹ đất. Đồng chí gợi ý, trước đây UBND tỉnh giao cho Trường đại học Đồng Nai một địa điểm ở phường Tân Phong để xây dựng Trường phổ thông thực hành sư phạm, nhưng nay trường này đã được xây dựng ở phường Bình Đa. Biên Hòa có thể trao đổi, lấy quỹ đất ở phường Tân Phong trước đây đã được giao cho Trường đại học Đồng Nai để xây thêm trường cho Biên Hòa.
Phương Hằng