Xã hội

Lo ngại với bệnh Zika!

Hiện nay, bệnh Zika đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các địa phương nằm gần Đồng Nai, như: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Điều đáng lo ngại, bệnh do virus Zika là bệnh lây truyền qua muỗi Aedes, cũng là loại muỗi gây sốt xuất huyết, hiện vẫn đang hoành hành ở Đồng Nai.

Bác sĩ Khoa sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tư vấn về bệnh Zika cho một thai phụ. Ảnh: Đ.Ngọc
Bác sĩ Khoa sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tư vấn về bệnh Zika cho một thai phụ. Ảnh: Đ.Ngọc

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết Đồng Nai có nguy cơ nhiễm virus Zika rất cao. Số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2016 đến nay hơn 2,5 ngàn ca, dù có giảm 59% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng vẫn ở mức cao. 

* Nguy cơ nhiễm virus Zika cao

Trong thời gian qua, các hoạt động phòng chống dịch bệnh do sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika luôn được tỉnh quan tâm. Đặc biệt, với việc triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng tại 100% phường, xã đã mang lại hiệu quả thiết thực khi số ca mắc giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế hiện tại vẫn còn nhiều khu nhà trọ ẩm thấp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh; nhiều khu vực bãi đất trống chưa được dọn dẹp với nhiều vật phế thải là nơi sinh sản của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika.

Trưởng trạm y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Lại Đức Hạnh cho biết toàn phường chỉ huy động được 164 cộng tác viên y tế  đến các hộ dân để tuyên truyền cách diệt lăng quăng. Do địa bàn rộng, số hộ dân quá đông nên các cộng tác viên không thể đi hết, chỉ tập trung tại các khu vực trọng điểm, nhưng không phải lúc nào cũng gặp người ở nhà, nhất là ở các khu nhà trọ. Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có bãi rác của thành phố và nhiều bãi đất trống, nhất là ở gần vùng giáp ranh với xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) không được thường xuyên dọn dẹp nên nguy cơ bệnh sốt xuất huyết vẫn còn cao.

Bên cạnh việc lây truyền từ muỗi, theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, bệnh Zika còn lây qua đường tình dục, đường máu và mẹ sang con. Trong khi đó, một số tỉnh lân cận Đồng Nai, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh có số ca bệnh Zika ngày càng tăng nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Nguy hiểm nhất là bệnh Zika gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh, rối loạn thần kinh.  Do đó, những phụ nữ dự định mang thai và những phụ nữ mang thai đặc biệt phải lưu ý khi đi đến các vùng có dịch hoặc đi từ vùng có dịch trở về.

* Phòng ngừa bệnh Zika

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay bệnh Zika thực sự nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, vì bệnh gây bất thường ở trẻ, làm não không phát triển hoàn chỉnh, nhỏ hơn thể tích não của trẻ cùng tháng tuổi; hoặc khi não đang phát triển tương đối, bệnh làm tổn thương mô não làm não thoái triển. Khi trẻ sinh ra có nhiều biểu hiện thiệt thòi: động kinh, chậm phát triển vận động, sa sút trí tuệ, đôi khi gây điếc, câm... Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên hoang mang vì bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, ngoài chú ý vệ sinh nhà cửa, phòng chống muỗi đốt thì phụ nữ mang thai cần thận trọng khi đi đến vùng có dịch. Trong trường hợp đi về từ vùng có dịch phải chủ động theo dõi sức khỏe, nhất là khi mang thai 3 tháng đầu. Nếu có các biểu hiện, như: sốt, nổi ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp và đau cơ, mệt mỏi, đau đầu... phải đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai ở các tuần thứ 12, 22 và 32 để  theo dõi sự phát triển của trẻ.

Thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng

Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng ngừa bệnh Zika, người dân phải chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng ngủ màn, dùng kem chống muỗi, nhang muỗi, dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi. Đặc biệt, phải loại bỏ lăng quăng bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước, cọ rửa dụng cụ chứa nước nhỏ và vừa thường xuyên, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay nước bình bông, bỏ muối vào bát nước kê chân chạn; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thu dọn vật phế thải xung quanh nhà.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,489,300       4/1,104