Xã hội

Nghề kỹ sư vật lý y khoa

Tại Khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện có 5 kỹ sư vật lý y khoa, làm trong lĩnh vực xạ trị ung thư. Một trong những nhiệm vụ chính của kỹ sư vật lý y khoa là chịu trách nhiệm về tính toán, phân bố tối ưu liều lượng bức xạ trong thể tích khối u, thường gọi là lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân ung thư.

Các kỹ sư vật lý Khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cùng bàn bạc, thảo luận về kế hoạch điều trị liều cho một ca bệnh khó. Ảnh: N.Thư
Các kỹ sư vật lý Khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cùng bàn bạc, thảo luận về kế hoạch điều trị liều cho một ca bệnh khó. Ảnh: N.Thư

* Nghề khó

Anh Lê Thanh Nhựt có hơn 7 năm theo nghề, cho biết nghề này yêu cầu rất khó, đòi hỏi sự chính xác cao. Nếu tính liều chưa đủ sẽ không diệt hết khối u; nếu quá liều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Có nhiều ca khó, phải làm kế hoạch liều điều trị đến 3-4 ngày, thậm chí cả tuần mới xong. Vì ngoài tính toán liều, các kỹ sư phải tính toán vị trí chiếu tia xạ sao cho hạn chế tối đa ảnh hưởng các cơ quan lành, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Anh Dương Thanh Tài cũng có 7 năm làm kỹ sư vật lý y khoa, chia sẻ trên thế giới ngành vật lý y khoa phát triển đã lâu, trong khi ở Việt Nam còn rất mới. Do đó, hầu hết tài liệu về vật lý y khoa toàn viết bằng tiếng Anh, với lượng kiến thức mới được cập nhật liên tục đòi hỏi các kỹ sư phải không ngừng học hỏi để theo kịp những tiến bộ của ngành vật lý y khoa. Thực tế, kỹ sư vật lý y khoa không chỉ đơn thuần tính toán trên máy móc, phần mềm, con số mà còn phải hiểu biết thêm kiến thức y khoa, nhất là về giải phẫu mới có thể làm tốt được.

* Trụ được vì đam mê

Dù ra trường đi làm đã nhiều năm, nhưng thu nhập của các kỹ sư vật lý không cao, lại ít được mọi người biết đến, thế nhưng điều này lại không khiến họ xao lòng. Hàng ngày, họ vẫn chăm chút cho từng kế hoạch điều trị làm sao khả thi nhất cho bệnh nhân. Anh Lương Tiến Phát có hơn 9 năm theo nghề tâm sự, lý do anh gắn bó với nghề là vì đam mê nghiên cứu, tìm tòi về ứng dụng của vật lý hạt nhân trong chữa bệnh. Mỗi khi lập kế hoạch liều cho một ca bệnh khó xong, anh cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn vì thấy mình làm được một việc có ý nghĩa. 

Theo bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trên thế giới các kỹ sư vật lý y khoa được xem như người chữa bệnh; còn ở Việt Nam, công việc họ đóng góp rất thầm lặng, còn ít người biết đến, trong khi vai trò của kỹ sư vật lý y khoa rất quan trọng, quyết định hiệu quả trong xạ trị đối với bệnh ung thư. Mặc dù họ làm việc trên máy móc, phần mềm nhưng để lập ra kế hoạch liều điều trị theo yêu cầu của bác sĩ, cần phải có thêm kỹ năng, kiến thức của từng kỹ sư. Họ cũng có nhiều lần trao đổi lại với bác sĩ thay đổi kế hoạch điều trị liều sao cho hợp lý.

Hiện nay, cả 5 kỹ sư vật lý y khoa của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang tiếp tục học lên tiến sĩ, thạc sĩ, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo vật lý y khoa ở trong và ngoài nước để học hỏi, nâng cao tay nghề cũng như chất lượng điều trị bệnh cho bệnh nhân ung thư.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,487,265       3/897