Xã hội

Tham vấn tâm lý học đường: Vẽ đường để không lạc lối

Nhu cầu được tham vấn tâm lý của học sinh ngày càng đa dạng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình bạn, tình yêu và các nguy cơ bị xâm hại tình dục…

Nhu cầu được tham vấn tâm lý của học sinh ngày càng đa dạng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình bạn, tình yêu và các nguy cơ bị xâm hại tình dục…

TS. Lê Minh Công nói chuyện với học sinh Trường THCS Phương Lâm (huyện Tân Phú) về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình yêu và tình bạn. Ảnh: C.NGHĨA
TS. Lê Minh Công nói chuyện với học sinh Trường THCS Phương Lâm (huyện Tân Phú) về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình yêu và tình bạn. Ảnh: C.NGHĨA

Trong học kỳ I năm học 2016 - 2017, Phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT) đã mời các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm đến nói chuyện về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho trên 50 ngàn học sinh của 40 trường trong tỉnh.

* Đừng né tránh

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ  Ngọc Thạch cho biết: “Trong lúc các trường chưa có chuyên gia tâm lý học đường thì cần phát huy tinh thần trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, cán bộ làm công tác Đoàn - Hội - Đội, đồng thời Sở GD-ĐT cũng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên các trường. Khi giáo viên chủ nhiệm phát hiện những biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của học sinh cần phải báo ngay cho phụ huynh biết, đồng thời có thể chia sẻ kinh nghiệm với phụ huynh để cùng uốn nắn kịp thời”.

Theo bà Đỗ Thanh Tâm, chuyên viên Phòng Công tác học sinh - sinh viên, nhiều thầy cô còn né tránh nói về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình yêu, tình dục cho học sinh nghe. Còn học sinh lại tỏ ra rất hào hứng khi được nói, được chia sẻ suy nghĩ của mình về những vấn đề này khi có dịp tiếp xúc với các chuyên gia tâm lý. Có những câu hỏi về tình dục được học trò đưa ra, nhờ chuyên gia tâm lý giải đáp đã khiến thầy cô giáo phải giật mình về một thực tế, học sinh đã và đang gặp rất nhiều vấn đề về tình dục trong cuộc sống.

Trong buổi tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên do Phòng Công tác học sinh - sinh viên tổ chức ở một trường THCS tại huyện Tân Phú mới đây, em Nguyễn Phương T., học sinh lớp 7, đã đặt câu hỏi: “Bạn trai lớn tuổi hơn em cứ đòi quan hệ tình dục. Vậy em phải làm gì để từ chối?”. Câu hỏi của em T. làm nhiều học sinh ồ lên, nhiều giáo viên tỏ ra bối rối. Trong khi đó, chuyên gia tâm lý thì cho rằng đó là câu hỏi rất dũng cảm, giúp em học sinh này cũng như một số bạn bè khác có thể tìm ra lối thoát cho một vấn đề rất nguy hiểm, đó là bị lạm dụng tình dục.

Ở một buổi tư vấn khác tại một trường THCS ở huyện Trảng Bom, em Nguyễn Thanh L., học sinh lớp 9, đã xin gặp riêng chuyên gia tư vấn tâm lý nhờ tháo gỡ những lo lắng của mình khi bị bạn trai nhiều lần ép quan hệ tình dục, khiến em phải thường xuyên dùng tới thuốc tránh thai khẩn cấp. L. cho biết: “Em rất lo lắng vì hay bị bạn trai ép quan hệ tình dục, uống thuốc tránh khẩn cấp nhiều lần có thể dẫn tới nhiều hậu quả xấu sau này”. Khi được hỏi tại sao em không nói với cha mẹ, hay thầy cô giáo?, L. trả lời: “Em sợ nói ra với cha mẹ thì bị la mắng, thậm chí đánh đập; còn nói với thầy cô thì sợ bị đánh giá về hạnh kiểm”.

* Tăng cơ hội chia sẻ

Toàn tỉnh hiện có 547 trường tiểu học, THCS và THPT với trên 600 ngàn học sinh, nhưng mới chỉ duy nhất một trường có được mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường là Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng. Theo cán bộ Phòng Công tác học sinh - sinh viên, vì số lượng các trường của tỉnh khá lớn, lượng học sinh quá đông, địa bàn lại rộng, các trường không có phòng tham vấn tâm lý nên vấn đề tổ chức các buổi tham vấn tâm lý cho học sinh không hề dễ dàng. Có những buổi tổ chức ở vùng sâu, vùng xa thì phòng phải tính toán để đi 3-4 trường trong một đợt, kéo dài 2-3 ngày để tiết kiệm thời gian.

Tới nay, chưa có biên chế tuyển dụng chuyên gia tâm lý học đường, mà chủ yếu là giáo viên làm công tác Đoàn - Hội -  Đội, giáo viên làm công tác chủ nhiệm phải kiêm nhiệm. Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết trong Luật Giáo dục, điều lệ nhà trường định nghĩa giáo viên bao gồm trong đó có cả tư vấn học đường. Như vậy, nhu cầu giáo viên tâm lý học đường này là cần thiết. Với biên chế giáo viên theo định mức thì hiệu trưởng nhà trường vẫn có thể sắp xếp tuyển giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường, nhưng phải đúng chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, tuyển được giáo viên tâm lý học đường hiện nay là rất khó.

Việc mỗi trường có một chuyên gia tâm lý trong tương lai gần là tham vọng không dễ thực hiện. Nếu dựa vào đội ngũ làm công tác Đoàn - Hội - Đội, giáo viên chủ nhiệm hay cán bộ làm công tác y tế trong trường học hiện nay thì đều không ổn. Theo TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh: “Làm chuyên gia tâm lý cho học sinh không dễ dàng, không chuyên sẽ rất khó làm. Bởi ngoài am hiểu tâm lý học đường, am hiểu pháp luật, phải có kỹ năng tiếp xúc học sinh, từ đó làm cho học sinh mạnh dạn nói tất cả các vấn đề các em lo lắng để có hướng tháo gỡ”.

TS. Lê Minh Công, Phó trưởng khoa tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai, cho biết trong khi các trường công lập chưa có biên chế chuyên gia tâm lý, đặc biệt là khó khăn với các trường công lập thì vẫn có nhiều cách để xoay chuyển tình hình. Phụ huynh ai cũng muốn con mình được tham vấn tâm lý học đường, nhưng không ai chỉ cho họ làm thế nào. Do đó, có thể huy động nguồn xã hội hóa bằng cách mỗi phụ huynh đóng góp từ 1-5 ngàn đồng/tháng,
từ đó có thể hợp đồng với các chuyên gia tâm lý để thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với các em.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,477,828       1/827