Xã hội

Giáo dục, đào tạo với phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Hiện nay, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang là một tất yếu của sự phát triển, nó trở thành làn sóng mạnh mẽ tác động đến tất cả các nước trên thế giới, cũng như mọi mặt của đời sống xã hội...

TS. BÙI QUANG XUÂN

Tiến sĩ
TS.Bùi Quang Xuân (hàng đầu, thứ 6, từ trái sang) tại Hội thảo "Các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015-2020) về lĩnh vực khoa học và công nghệ"

Kinh nghiệm, cũng như thực tiễn đã chỉ ra rằng: công nghiệp hóa, hiện đại hóa có mối quan hệ chặt chẽ với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Bởi, giáo dục, đào tạo là một trong những biện pháp cơ bản nhất để tạo ra chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời chất lượng nguồn nhân lực cũng trở thành mục tiêu hàng đầu của giáo dục, đào tạo.

* Giáo dục, đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực…

Không thể có một nguồn nhân lực chất lượng tốt nếu không thông qua giáo dục, đào tạo và cũng không thể có sự nghiệp giáo dục, đào tạo mà lại không nhằm vào việc giáo dục lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng ứng dụng tri thức vào hoạt động thực tiễn... Đó chính là những nhân tố tạo nên chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, đất nước ta đang đứng trước một nghịch cảnh: Kinh tế phát triển mạnh và cơ hội đang đến với đất nước rất lớn, nhưng giáo dục, đào tạo và vấn đề phát triển nguồn nhân lực nói chung sau thời kỳ đạt được một số thành tựu ban đầu theo xu hướng phát triển đại trà, hiện đang bộc lộ nhiều hệ quả...

Trong phát triển con người và nguồn nhân lực, nhiều yếu kém và tiêu cực tích tụ lâu năm đang dồn nén thành nguy cơ có thể làm cho đất nước bỏ lỡ cơ hội lớn. Bản thân ngành giáo dục, đào tạo và nhìn chung là toàn hệ thống phát triển nguồn nhân lực đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng: đào tạo nhiều mà dùng được ít; số người được đào tạo thất nghiệp cao, chi phí của toàn xã hội quá lớn so với những gì gặt hái được; có nhiều hậu quả lớn phải xử lý tiếp, như: vấn đề đào tạo lại, việc bố trí người không đúng việc, không chuẩn bị kịp cho các bước phát triển tiếp theo của đất nước, phát sinh bộ máy cồng kềnh dẫn đến quan liêu, tham nhũng...

Đất nước đứng trước tình hình: không đẩy nhanh phát triển giáo dục, đào tạo thì thiếu nguồn nhân lực; còn đẩy nhanh theo hướng mà chúng ta đang làm, thì nguy cơ dẫn tới khủng hoảng sẽ lớn hơn. Nhưng hiện nay, hướng đi đúng là gì cũng chưa rõ và đang còn nhiều ý kiến rất khác nhau.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo đánh giá, kết quả đào tạo nguồn nhân lực của cả 4 chương trình nhánh trong Chương trình tổng thể đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đều đảm bảo mục tiêu đề ra. Trong đó, Chương trình 1 (đào tạo lao động kỹ thuật) và Chương trình 4 (bổ sung nguồn lực cho hệ thống chính trị) là nổi bật hơn cả.

Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh tăng từ 42,66% năm 2010 lên 48,19% cuối năm 2014 và cuối năm 2015 là 50%. 1.405 cán bộ, công chức, viên chức được chọn cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị các chuyên ngành; 9.403 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng để cấp giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị, đạt 297,56% kế hoạch.

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã có 22.735 lượt cán bộ công chức, viên chức được cử tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, đạt 90,94% so với chỉ tiêu giai đoạn. Trong đó, cán bộ nữ được quan tâm trong việc hỗ trợ chế độ, chính sách khi cử đi học cũng như ưu tiên trong chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng với tỷ lệ đào tạo bồi dưỡng đạt 35,40% trên tổng số cán bộ công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (chỉ tiêu: 30%)[1]...

* Những yêu cầu đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, từ bối cảnh trong nước, việc phát triển nguồn nhân lực đang đặt ra những vấn đề như sau:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục. Với quan điểm giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, những năm qua Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo. “Giải pháp cho phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 là tăng đầu tư phát triển để hiện đại hóa có trọng tâm, trọng điểm cho hệ thống đào tạo nhân lực, xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đào tạo nhân lực theo mục tiêu trên. Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực cũng là một trong những giải pháp nhằm phát triển nhân lực trong giai đoạn sắp tới”[2].

Đối với việc huy động vốn từ người dân, Nhà nước có cơ chế, chính sách mạnh để huy động tối đa các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nguồn nhân lực bằng các hình thức: trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển đào tạo nhân lực, góp vốn, mua công trái, hình thành các loại quỹ khuyến học của cộng đồng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo ngay tại doanh nghiệp, tiến tới doanh nghiệp phải trở thành lực lượng chủ đạo về đào tạo nghề.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Tiềm năng của người Việt Nam là rất lớn, nhưng chất lượng giáo dục từ khi chuyển sang kinh tế thị trường có sự giảm sút. Đặc biệt là giáo dục đại học và cao đẳng đã không còn là động lực để tạo cơ hội có việc làm, không thích ứng với đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Hiện nay, công nghệ giáo dục trên thế giới luôn phát triển và đổi mới. Nếu những điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc và thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập ở nước ta được tăng cường thì chắc chắn chất lượng giáo dục, đào tạo sẽ được nâng cao hơn nhiều. Vì vậy, quan tâm và có chính sách động viên thích đáng đối với đội ngũ giáo viên, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tăng cường trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật...  là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba, điều chỉnh cơ cấu giáo dục đào tạo, từng bước xác lập sự cân đối giữa các ngành nghề đào tạo. Sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo, trước hết, thể hiện ở quy mô đào tạo đại học, cao đẳng thì mở rộng, trong khi đó đào tạo nghề lại thu hẹp; Hai là, có sự khác biệt lớn giữa số lượng sinh viên theo học các ngành nghề: văn hóa, nghệ thuật chiếm 1,3%, khoa học, công nghệ và kỹ thuật 15,2%, kinh tế và luật lên tới 42,78%. Trong khi cử nhân kinh tế, luật đang thừa thì một loạt trường đại học vẫn tiếp tục thành lập các khoa quản trị kinh doanh làm cho tình trạng mất cân đối càng nghiêm trọng hơn. Hiện tại, nước ta đang thiếu rất nhiều kỹ sư khoa học, kỹ thuật, cán bộ khoa học cơ bản - lực lượng trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu công nghệ. Điều đó gây khó khăn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ tư, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là một khâu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta vẫn coi người tài là nguyên khí quốc gia, nhưng từ chính sách đến việc làm cụ thể trên thực tế vẫn còn một khoảng cách xa. Một số nhà khoa học sau khi có học vị cao đã tìm đến một vị trí khác trong xã hội, sau đó rời bỏ khoa học, rời bỏ chuyên môn được đào tạo. Cần có sự thay đổi trong cơ chế, chính sách để phát hiện người tài, đào tạo, bồi dưỡng họ, tạo điều kiện để họ cống hiến cho đất nước. Giáo dục, đào tạo chính là một trong những cơ chế quan trọng góp phần chọn ra người tài, đào tạo bồi dưỡng họ từ đó mà sử dụng nhân tài phát triển đất nước.

Để thực hiện thành công các giải pháp trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho các tầng lớp nhân dân, các nhà trường, các doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực thành lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

B.Q.X



[1] Chương trình nhánh trong Chương trình tổng thể đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

[2] Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,472,549       14/845