Xã hội

Hoại tử chân do tắc nghẽn mạch máu

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã có một số trường hợp bị hoại tử ở bàn chân, cẳng chân phải tháo ngón, cắt cụt bàn chân, cẳng chân do bị bệnh viêm tắc động mạch chi dưới lâu ngày không điều trị.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Tứ (ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) bị cắt bỏ một ngón chân cái ở bàn chân trái bị hoại tử do tắc động mạch lâu ngày.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tứ (ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) bị cắt bỏ một ngón chân cái ở bàn chân trái bị hoại tử do tắc động mạch lâu ngày.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết đa phần bệnh nhân không biết mình bị tắc mạch máu do không có biểu hiện gì rõ rệt. Khi có các biểu hiện đau nhức ở bắp chân, bắp đùi, gặp khó khăn khi đi bộ, thậm chí cả lúc nghỉ ngơi, nhiều người hay nghĩ đó là bệnh của tuổi già, hoặc các bệnh đau khớp, đau dây thần kinh.

* Đừng chủ quan khi đau nhức chân

Đến khi phát hiện được bệnh viêm tắc động mạch chi dưới thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đơn cử, trường hợp ông Nguyễn Văn Tứ (ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) bị đau nhức ở chân phải suốt nhiều tháng qua, uống thuốc giảm đau nhưng vẫn không hết. Ngón chân cái của ông ngày càng lạnh, tái đi và chuyển sang thâm đen. Đến khi đi khám ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ông mới biết bị viêm tắc động mạch chân phải, gây hoại tử ngón chân cái. Do tình trạng hoại tử nặng nên phải cắt cụt ngón.

Một vết thương ở chân bị hoại tử lan rộng do tắc động mạch đùi. Ảnh: Đ.NGỌC
Một vết thương ở chân bị hoại tử lan rộng do tắc động mạch đùi. Ảnh: Đ.NGỌC

Hay như trường hợp của bà Dương Thị Minh Nguyệt (83 tuổi, ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) bị đau chân lâu ngày không thể đi lại được, có vết thương lớn lở loét ở cẳng chân. Khi đi khám ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, các bác sĩ cho biết bà bị tắc động mạch ở đùi khiến máu không chảy xuống đủ để nuôi phần chân phía dưới, gây hoại tử. Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiến hành phẫu thuật để bóc lớp nội mạc ở động mạch đùi, thông máu xuống nuôi chi dưới cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bà Nguyệt vẫn được theo dõi, điều trị vết thương bị hoại tử không lan rộng thêm.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho hay bệnh tắc động mạch chi dưới là tình trạng hẹp hoặc tắc lòng động mạch ở chân do xơ vữa động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm lượng máu xuống nuôi phần cơ ở chi phía dưới. Động mạch ở chân bị tắc nghẽn sẽ làm giảm lượng máu xuống chân khiến chân bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, nếu nặng dễ dẫn đến hoại tử chân. Những người có nguy cơ mắc bệnh tắc động mạch chi dưới cao là những người thường hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, ít vận động, béo phì…

* Cần điều trị sớm

Phòng ngừa bệnh tắc mạch máu ở chân

Để phòng ngừa bệnh tắc mạch máu ở chân cần phải đề phòng các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, như: huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu; cần có chế độ ăn uống ít chất béo, nhiều rau xanh, chất xơ; bỏ những thói quen xấu, như: hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động...

Cũng theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, những ca bệnh nêu trên nhập viện trong tình trạng quá trễ khi để tắc mạch lâu ngày, hoại tử. Do đó, dù đã cắt cụt phần hoại tử, khả năng vết thương lành cũng rất thấp vì vẫn còn thiếu máu nuôi vùng da. Điều đáng nói, ngày càng có nhiều người bị bệnh mạch máu. Ở những người cao tuổi, bệnh mạch máu là nguyên nhân chính gây tàn phế và tử vong. Bởi lẽ, bệnh viêm tắc động mạch chi dưới nếu không được điều trị còn là nguyên nhân gây khởi phát bệnh đột quỵ do nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Bệnh mạch máu ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Khi có bệnh ở động mạch chân thì khả năng động mạch ở các nơi khác, như: động mạch thận, động mạch vành nuôi tim và động mạch cảnh nuôi não cũng có thể bị tắc nghẽn. Do đó, người bệnh nên được theo dõi và điều trị sớm.

Đối với những người có nguy cơ cao nói trên, khi có các biểu hiện, như: đau cách hồi, đau nhiều ở bắp chân; đến khi bệnh nặng sẽ đau bàn chân, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ ngơi; bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân. Nếu có biểu hiện này cần đi khám và điều trị sớm. Với kỹ thuật siêu âm mạch máu có thể giúp bác sĩ thấy rõ động mạch bị hẹp tắc ở đâu và mức độ như thế nào, đồng thời có thể cho biết mức độ thiếu máu chi dưới ra sao để có hướng điều trị phù hợp.

Ngày nay, với tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, phẫu thuật mạch máu được thực hiện khá đơn giản gồm mổ hở hoặc can thiệp nội mạch. Mổ hở là tái tạo mạch máu bao gồm sửa chữa trực tiếp bằng cách khâu may, bóc nội mạc động mạch (loại bỏ các mảng xơ vữa gây tắc mạch), bắc cầu (dùng tĩnh mạch của bệnh nhân hay ống ghép nhân tạo) và cấy ghép. Phương pháp can thiệp nội mạch bao gồm nong mạch và đặt stent. Nếu bệnh mạch máu được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ nhanh khỏi bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ tàn phế và tử vong.

Đặng Ngọc (ghi)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,426,559       6/1,051