Xã hội

Việt Nam gia tăng đáng sợ bệnh lao kháng thuốc

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống bệnh lao. Tuy nhiên, số bệnh nhân lao kháng thuốc lại đang gia tăng đáng sợ, vượt cao so với tỷ lệ trung bình của toàn cầu...

/EM>

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là liên quan đến việc điều trị không đúng cách tại các cơ sở y tế không thuộc chương trình chống lao.

* Nỗi ám ảnh mang tên “lao kháng thuốc”

Anh Nguyễn T.Th., 47 tuổi, ngụ tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) phát hiện bị bệnh lao dương tính. Thay vì đến bệnh viện chuyên khoa, anh Th. lại đến một bệnh viện gắn nhãn “quốc tế” để chữa lao. Sau 4 tháng điều trị với chi phí gần 10 triệu đồng, sức khỏe của anh Th. ngày càng giảm sút. Thời gian đầu, những triệu chứng ho, sốt có giảm nhưng sau mỗi lần uống thuốc, lồng ngực như muốn nổ tung.

Nhiều bệnh nhân bị lao ngay khi còn rất trẻ
Nhiều bệnh nhân bị lao ngay khi còn rất trẻ

Thông báo tình trạng này với bác sĩ điều trị, anh Th. được giải thích: “Thuốc lao là thuốc độc đưa vào người để diệt vi trùng nhưng các triệu chứng này qua nhanh thôi”. Điều trị đến tháng thứ 4, toàn thân anh Th. chuyển dần sang màu vàng sạm, bụng trướng, ăn vào nôn ra và bí tiểu luôn. Gia đình đưa anh đến một bệnh viện khác.

Tuy Sirturo đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ  (FDA) phê duyệt, nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia y tế Mỹ, Sirturo có thể gây ảnh hưởng cho tim, làm rối loạn nhịp tim, dẫn tới tử vong. Đây là một trong những thách thức mới, nguy hiểm trong điều trị lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc. Tuy nhiên, những bệnh nhân ở tình trạng này thường không còn khả năng cứu chữa nữa, việc sử dụng Sirturo là sự lựa chọn cuối cùng

Bác sĩ tại bệnh viện mới cho biết, anh bị lao nhưng điều trị không đúng phác đồ; được cho sử dụng thuốc lao không đúng chỉ định, quá liều, không phù hợp với thể trạng và bệnh trạng của anh.

Việc điều trị kéo dài này đã gây tổn thương nặng nề đến gan và thận. Khi được tiến hành điều trị theo đúng phác đồ, thì bệnh của anh đã kháng với nhiều loại thuốc lao.

Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá: “Việt Nam là một trong những nước có chương trình phòng chống lao tốt nhất thế giới. Với phác đồ điều trị chuẩn được triển khai tại tất cả các tuyến bệnh viện từ tỉnh xuống trạm y tế xã, người bệnh lao có thể hoàn toàn khỏi bệnh chỉ trong 6 tháng điều trị với 4 loại kháng sinh”.

Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Lokky Wai, đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh lao, trong đó tình trạng lao kháng đa thuốc đang gia tăng đến mức báo động.

 Theo báo cáo của WHO, trong năm 2014, Việt Nam đứng thứ 11/20 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của lao kháng thuốc. Hàng năm phát hiện khoảng 130.000 ca mắc lao mới, trong đó có thêm 5.100 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và 6% trong số này là lao siêu kháng thuốc.

WHO cũng chỉ ra rằng, tình trạng lao đa kháng thuốc được cho là có liên quan đến việc điều trị không đúng cách tại các cơ sở y tế không thuộc chương trình chống lao. 

Một bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tại Bệnh viện phổi Đồng Nai
Một bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tại Bệnh viện phổi Đồng Nai

Mặc dù hiện nay đã có 44/63 tỉnh, thành trong cả nước có bệnh viện lao và phổi tuyến tỉnh, nhưng do bệnh lao phải điều trị kéo dài, nhiều bệnh nhân nghèo bỏ dở điều trị, vì phải lo sinh kế hàng ngày. Ngoài ra, hoạt động chống nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được kiểm soát tốt, người bị bệnh lao bị kỳ thị…, cũng dẫn đến gia tăng tình trạng lao đa kháng thuốc.

* “Cửa hẹp” cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc

Các nghiên cứu cho thấy, mỗi bệnh nhân lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình. Những gia đình có người chết sớm vì bệnh lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập, ảnh hưởng tới thu nhập quốc dân và chỉ số phát triển con người của các quốc gia.

Nằm thở khó khăn tại phòng cách ly của khoa cấp cứu tại Bệnh viện phổi Đồng Nai, ông Lê V.Ch. 71 tuổi, ngụ tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đang mất dần hy vọng được chữa khỏi bệnh lao kháng thuốc. Bởi, theo tính toán của WHO, điều trị lao kháng thuốc rất tốn kém. Nếu điều trị lao thông thường chỉ mất từ 1-1,5 triệu đồng/ca, thì lao đa kháng thuốc phải mất từ 40-50 triệu đồng/ca.

Ngoài ra, bệnh nhân phải điều trị dài ngày hơn, chịu nhiều tác dụng phụ hơn, hiệu quả thấp hơn, chưa kể việc bệnh nhân mất sức lao động, tốn công chăm sóc của người thân… Vì thế, việc điều trị khỏi bệnh lao kháng thuốc là cánh cửa hẹp với nhiều bệnh nhân.

Theo TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, 3 năm nay, với sự hỗ trợ của WHO, một loại thuốc có tên Sirturo được đưa vào Việt Nam để điều trị lao đa kháng thuốc, nhưng giá của Sirturo khá đắt.

Quy trình điều trị tấn công trong 6 tháng nâng tổng số tiền điều trị cho lao đa kháng thuốc từ 40 - 50 triệu đồng/ca lên 70-80 triệu đồng/ca. Trong khi đó ở Việt Nam, phần lớn bệnh nhân lao, đặc biệt là lao đa kháng thuốc là người nghèo, nên cơ hội không đến được với nhiều người bệnh lao kháng thuốc.

“Khó khăn về giá cả, không có sẵn phác đồ điều trị, hoặc chăm sóc giảm nhẹ cho những ca điều trị thất bại..., các chuyên gia y tế đang lo ngại tình trạng lao đa kháng thuốc sẽ bùng nổ ngày càng nặng nề hơn” - TS Nhung băn khoăn.

Bài và ảnh: Phương Liễu

 

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,423,275       3/1,045