Xã hội

Thầy trò thương nhau

Ở phân hiệu C Trường tiểu học Lam Sơn (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc), tình cảm giữa giáo viên và học trò không khác tình mẹ con ruột thịt.

Hàng ngày 2 buổi sáng chiều, cô Trương Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C phân hiệu C Trường tiểu học Lam Sơn đưa đón em Lâm Thị Minh Vy đi học.
Hàng ngày 2 buổi sáng chiều, cô Trương Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C phân hiệu C Trường tiểu học Lam Sơn đưa đón em Lâm Thị Minh Vy đi học.

Những câu chuyện về sự đùm bọc lẫn nhau giữa thầy cô và học trò đã làm nên mối liên hệ, gắn kết như một gia đình tại phân hiệu này.

* Thương trò như con

Cô trò phân hiệu C Trường tiểu học Lam Sơn.
Cô trò phân hiệu C Trường tiểu học Lam Sơn.

Vừa bước chân vào lớp 2C, cô chủ nhiệm Trần Thị Mỹ Hà nhìn quanh khắp lượt rồi hỏi học trò vì sao bạn Nguyễn Ngọc Tú Trinh chưa có mặt. Sau khi tìm hiểu từ học sinh, cô Hà được biết Tú Trinh nghỉ học do cha mẹ không muốn em đến trường mà ở nhà trông em gái mới lên 3 tuổi. Sau khi gọi điện cho phụ huynh khuyên nên cho Tú Trinh tiếp tục đi học nhưng không nhận được sự đồng thuận, cô Hà bàn bạc với ban giám hiệu nhà trường và quyết định đến nhà em Tú Trinh để vận động.

 Nói là làm. Chiều hôm đó cả 3 cô giáo, gồm: Phó hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Ngát, cô giáo chủ nhiệm và cô Nguyễn Thị Điệp, một giáo viên của trường, đã có mặt tại nhà em Tú Trinh nằm cách phân hiệu gần 5km dưới những tán rừng tràm, cao su vắng người qua lại. Vừa gặp phụ huynh Tú Trinh, cô Bùi Thị Ngát, Phó hiệu trưởng nhà trường, đi thẳng vào vấn đề: “Bé còn quá nhỏ mà phải nghỉ học thì rất tội nghiệp. Hơn nữa với lứa tuổi này thì cháu chưa thể làm việc gì được”.

Tiếp lời Phó hiệu trưởng nhà trường, cô chủ nhiệm Trần Thị Mỹ Hà nói thêm: “Nếu gia đình có khó khăn về chuyện tiền nong cho em đi học thì tôi và ban giám hiệu nhà trường sẵn sàng hỗ trợ. Còn việc để Tú Trinh nghỉ học để ở nhà trông coi em nhỏ thì không chính đáng, thiệt thòi cho em. Chúng tôi nghĩ gia đình nên đưa em gái Tú Trinh đến trường hoặc nhờ bà con trông nom giúp”.

Sau những lý lẽ cùng gợi ý của các cô giáo, ông ngoại của Tú Trinh đã đồng ý trông nom cháu nhỏ giúp vợ chồng con gái để Tú Trinh được tiếp tục đến trường. “Con thích đi học lắm. Nếu không có các cô thì con phải nghỉ học rồi” - Tú Trinh vui mừng nói.

Không chỉ làm hết khả năng để vận động trẻ quay trở lại lớp học mà giáo viên tại phân hiệu này còn là những mạnh thường quân đứng ra lo chi phí học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Lam Sơn Nguyễn Huy Đông: “Ở phân hiệu này đời sống của 16 giáo viên, công nhân viên đều không dư dả gì, đều phụ thuộc vào mức lương nhận được hàng tháng. Nhưng khi biết học sinh nào khó khăn, ai cũng tự bỏ tiền túi đóng các khoản tiền trường, mua sắm sách vở, quần áo cho các em”.

Đặc biệt, nhiều thầy cô còn kiêm luôn việc đưa đón học sinh nhà ở xa đi học. “Khi tôi đến khuyên phụ huynh của em Lâm Thị Minh Vy nên để em đến lớp thay vì ở nhà, thì được mẹ Vy cho biết nguyên nhân Vy không đi học là đường đến trường rất xa, mẹ bận làm không thể để em tự đi được. Vậy là từ đầu năm đến nay, hàng ngày tôi trở thành xe ôm cho học trò, sáng đón đi trưa đưa về. Hôm nào tôi bận công việc do nhà trường phân công thì những giáo viên khác thay tôi đưa đón Minh Vy” - cô Trương Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, nói.

Ông Trần Văn Chưa (52 tuổi, một người dân ngụ ấp Bầu Sình) nhận xét: “Thật ít có ngôi trường nào mà giáo viên đối với nhau thân tình, thầy cô hết lòng vì học trò như ở đây. Cũng chính nhờ tấm gương của thầy cô giáo mà học sinh của trường, trong đó có 3 đứa cháu tôi luôn ngoan ngoãn, hòa đồng với bạn bè và giúp nhau học tốt”.

* Làm gương cho học trò

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Huy Đông (ở ấp Bầu Sình, nơi phân hiệu C đóng chân) phần lớn những hộ gia đình đều khá khó khăn; nhà dân sống rải rác, thưa vắng đến tận sát bờ sông La Ngà, trong các khu ruộng rẫy xa. Vậy nên, không ít cha mẹ lấy lý do: đường xa không ai đưa đón hoặc tư tưởng học biết chữ là được, không cần học nhiều... mà đã cho con nghỉ học.

Cô Nguyễn Thị Điệp, chủ nhiệm lớp 4C tâm sự: “Mấy ngày qua tôi rất lo vì một học sinh lớp 4 của mình không đến lớp. Tôi đã gặp phụ huynh để khuyên cho em học sinh này tiếp tục đến lớp nhưng bất thành. Người cha muốn cho con tiếp tục đi học vì thằng bé rất ngoan, học tốt, từng tham gia kỳ thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện nhưng mẹ em lại muốn con ở nhà. Không đành lòng để học sinh phải rời xa lớp, nên dù đường đến nhà học sinh rất xa và khó đi nhưng tôi vẫn cùng tập thể sư phạm nhà trường nhiều lần tìm đến nhà nhưng không gặp được gia đình. Nhưng tôi tin bằng tính cảm chân tình, yêu thương học trò, sự kiên trì và hỗ trợ từ phía bà con họ hàng, nhất định em sẽ được đến trường trở lại”.

Các giáo viên phân hiệu C Trường tiểu học Lam Sơn trong lần vận động gia đình em Nguyễn Ngọc Tú Trinh cho em quay lại trường.
Các giáo viên phân hiệu C Trường tiểu học Lam Sơn trong lần vận động gia đình em Nguyễn Ngọc Tú Trinh cho em quay lại trường.

Không chỉ thương yêu học trò mà những giáo viên nơi đây còn đối xử với nhau bằng tình cảm chân thật, đoàn kết không chỉ vì mục tiêu dạy và học tốt mà còn tạo cho nhau những giá trị quý giá trong cuộc sống. “Chúng tôi dạy học trò phải đoàn kết, biết chào hỏi bạn bè, người lớn tuổi hơn mình khi gặp mặt. Nếu nói suông mà không làm gương thì các em không tin tưởng làm theo. Vậy nên giáo viên nhà trường luôn thân thiện, hòa đồng hay lúc gặp mặt, gặp người dân trong ấp đều chào hỏi thân tình. Học sinh thấy thầy cô làm vậy nên đã tự giác làm theo” - thầy Nguyễn Huy Đông nói.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,405,875       1/935