Thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường trong những ngày vừa qua đã làm gia tăng bệnh tiêu chảy. Theo thông tin từ Sở Y tế, trong tháng 4-2017 toàn tỉnh ghi nhận 252 trường hợp bị bệnh tiêu chảy phải nhập viện điều trị, tăng 30% so với tháng 3.
Thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường trong những ngày vừa qua đã làm gia tăng bệnh tiêu chảy.
Bác sĩ Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho một bệnh nhi bị bệnh tiêu chảy. Ảnh: A.An |
Theo thông tin từ Sở Y tế, trong tháng 4-2017 toàn tỉnh ghi nhận 252 trường hợp bị bệnh tiêu chảy phải nhập viện điều trị, tăng 30% so với tháng 3. Một trong những nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn khi không được chế biến và bảo quản tốt.
* Tăng trẻ nhập viện do tiêu chảy
Tránh để thức ăn nhiễm khuẩn Để phòng tránh bệnh khi thời tiết thay đổi, trong đó có bệnh tiêu chảy, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa Nhiệt đới Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khuyến cáo nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; ăn chín, uống chín, sử dụng các loại thực phẩm an toàn, hạn chế ăn các thức ăn chưa được nấu chín, như: tiết canh, thịt tái, nem chạo, nem chua, các loại gỏi... Thức ăn để trong tủ lạnh cần được bọc và đậy kín cẩn thận. Sau khi đưa ra ngoài tủ lạnh để sử dụng thì phải đun nóng lại thức ăn để tránh thức ăn bị nhiễm khuẩn. |
Gần 1 tháng nay, tại khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trung bình mỗi ngày có đến 10-15 ca tiêu chảy nhập viện mới, trong đó chủ yếu là trẻ từ 6-24 tháng tuổi. Điều đáng nói, có nhiều trẻ nhập viện vừa điều trị bệnh viêm phổi, vừa phải điều trị tiêu chảy. Như bé Bùi Thái Minh Q. (7 tháng tuổi, ngụ ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) nhập viện điều trị bệnh viêm phổi tại Khoa Hô hấp. Sau 4 ngày điều trị, bé Q. bị tiêu chảy nhiều, liên tục, người lừ đừ và sốt cao. Ngay sau đó, bé Q. được chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực - chống độc theo dõi điều trị bệnh hô hấp, tiêu chảy và thêm một bệnh khác là nhiễm trùng huyết.
Theo bác sĩ Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Tiêu hóa, thời tiết thay đổi như hiện nay trẻ rất dễ bị sinh bệnh do nhiễm khuẩn. Một khi đã bị viêm phổi, hệ miễn dịch của trẻ sẽ yếu đi dễ dàng, kéo theo bệnh tiêu chảy và một số bệnh khác. Trường hợp của bé Q. là một điển hình. Cũng theo bác sĩ Chánh, bệnh tiêu chảy do virus và vi trùng gây nên. Đối với rota virus (tác nhân đứng hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy chiếm 80%) xảy ra quanh năm và tăng đầu mùa khô hoặc mùa lạnh. Còn vi trùng, vi khuẩn thường xảy ra vào mùa mưa và nắng nóng, đặc biệt thời tiết như hiện nay trẻ bị tiêu chảy do ăn phải thức ăn không đảm bảo.
Để phòng bệnh tiêu chảy cha mẹ nên cho trẻ đi uống vaccine ngừa tiêu chảy do virus rota. Ngoài ra, phụ huynh cần phải giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, sử dụng nguồn nước sạch, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ... Những thực phẩm trong tủ lạnh không để lâu, các thực phẩm phải được bọc kín, tách riêng thực phẩm sống và chín. Hạn chế sử dụng thức ăn hâm đi hâm lại, nên nấu ăn từng bữa riêng để đảm bảo dinh dưỡng, tránh những bệnh lây qua đường tiêu hóa cho trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ có nhiều kháng thể có thể chống lại được nhiều bệnh. Trẻ bú sữa ngoài, nguy cơ tiếp xúc với môi trường nhiễm bẩn nhiều hơn.
* Người lớn không nên chủ quan
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa Nhiệt đới Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho hay thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường không chỉ có trẻ em mà ngay cả người lớn cũng dễ mắc bệnh tiêu chảy. Cụ thể, trung bình mỗi ngày có khoảng 15 ca đến khám bệnh tiêu chảy, trong đó có đến 5 ca phải nhập viện điều trị. Điều đáng nói, có nhiều ca bệnh dù vào viện rất sớm nhưng vì bệnh quá nặng phải nhập viện điều trị với thời gian khá dài.
Đã điều trị hơn 1 tuần nay nhưng bà Nguyễn Thị T. (35 tuổi, ngụ tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) vẫn chưa được xuất viện vì sức khỏe còn yếu. Bà T. kể lại, sau khi ăn cơm tối với gia đình bà thấy hơi mệt, tay chân bủn rủn, đến nửa đêm bà đau bụng và nôn ói. Sáng hôm sau, bà uống thuốc điều trị tiêu chảy nhưng vẫn không khỏi, nên gia đình đưa bà vào bệnh viện khám thì được biết bà bị nhiễm trùng đường tiêu hóa. Kể từ khi nhập viện điều trị cho đến mấy ngày sau đó, bà T. đi ngoài phân lỏng, không kiểm soát được và phải dùng bỉm.
Theo bác sĩ Quyên, bệnh nhân T. bị nhiễm trùng đường tiêu hóa khá nặng do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn. Bệnh diễn tiến rất nhanh, nếu bệnh nhân không nhập viện sớm để truyền nước, dùng thuốc kháng sinh và bù nước điện giải, cầm tiêu chảy, tránh mất nước kéo dài dễ bị những biến chứng nguy hiểm, như: suy thận, trụy mạch, sốc nhiễm trùng…
Do đó, đối với trường hợp bị bệnh tiêu chảy nhẹ, tiêu chảy 1-2 lần/ngày có thể điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc và uống nước biển khô để bù điện giải; còn tiêu chảy trên 3 lần/ngày kèm theo sốt, nôn ói phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nặng... “Đặc biệt, khi bị tiêu chảy người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể, ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải” - bác sĩ Quyên nói.
An An